Sử dụng máy tính hiệu quả

Bài 1: Máy tính tiêu tốn thế nào

Gần đây kỷ nguyên máy tính bùng nổ, nhà nhà xài desktop, người người xài laptop/notebook. Sử dụng máy tính sao cho tiết kiệm và, quan trọng hơn là, hiệu quả có lẽ là vấn đề nhiều bạn quan tâm. Với một ít hiểu biết liên quan, Nhiệt Huyết viết bài này với mong muốn cung cấp cho các bạn ý niệm chung về cách thức một chiếc máy tính tiêu xài năng lượng — qua đó rút ra một số giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng cũng như làm cho máy tính hoạt động nhanh gọn hiệu quả hơn. Bài 1 này chỉ đề cập tới background đó, nếu bạn không muốn đọc dài dòng thì có thể nhảy ngay đến bài 2 để coi các giải pháp cụ thể.


Ảnh tự do của aranath.

1. Máy tính có tiêu tốn nhiều điện không?

Thực sự là không nhiều lắm — nếu so với các thiết bị gia dụng khác như điều hòa, đèn, hay thậm chí bàn ủi. Một máy tính để bàn trung bình có công suất cỡ 65 đến 250 watts. (Để biết chi tiết bạn xem trên nhãn mác của máy hoặc hỏi nhà sản xuất. Nếu vẫn không biết bạn có thể tự đo.) Đối với đa số chúng ta, máy tính không phải là nguồn ngốn điện chính trong nhà. Miễn là bạn tắt máy/cho máy ngủ lúc không sử dụng thì gần như máy chẳng ngốn bao nhiêu điện. Nhưng tất nhiên, không phải là không đáng để tiết kiệm — quan trọng nhất là bạn nên đảm bảo rằng máy (tự động) ngủ khi bạn không dùng tới nó. (Bởi vì thật ngớ ngẩn nếu lãng phí năng lượng khi không cần tới nó.)

2. Chính xác thì tốn bao nhiêu tiền?

Nếu bạn muốn định hình xem máy tính của mình tiêu tốn như thế nào, có thể quy công suất sử dụng của máy sang tiền điện theo công thức:

Công suất máy tính (watts) × số giờ sử dụng ÷ 1000 × tiền điện trên một kilowatt-giờ = tiền điện

Cần nhớ rằng một bộ nguồn thực tế chỉ sử dụng hết tầm 1/3 định mức khi tải. Ví dụ như bạn đang xài một máy tính hàng khủng, công suất ghi trên nguồn 600 watts thì công suất thực khoảng 200 watts, màn hình CRT cổ lỗ 80 watts cộng thêm linh tinh 50 watts nữa; tổng công suất thực tế là vào khoảng 330 watts. Nhưng số tiền điện tiêu thụ thật sự nằm ở chỗ bạn sử dụng như thế nào.

Saving Computer Energy
Ảnh tự do của functoruser.

Nếu bạn xài máy trên để chơi game, bật 24/7 cả năm thì: nhân lên, 330 watts × 24 giờ/ngày × 365 ngày/năm ÷ 1000 × 1000 đồng/kwh = 2,900,000 đồng/năm.

Tuy nhiên nếu bạn chỉ dùng máy để lướt web, viết blog — và bạn đủ thông minh để tắt máy khi không xài: cho là bạn xài 2 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần thì: 200 watts × 10 giờ/tuần × 52 tuần/năm ÷ 1000 × 1000 đồng/kwh = 100,000 đồng/năm.

Như vậy khoảng tiền thực tế bạn xài nằm giữa khoảng 100,000 và 2,900,000 đồng đó. Lệch về bên nào nhiều hơn là do cách dùng của bạn.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ điện

Tất nhiên là cách dùng là quan trọng nhất, nhưng về mặt kỹ thuật thì:

Tốn nhiều năng lượng hơn
Tốn ít hơn
Bật, sẵn sàng sử dụng Ngủ / Ngủ đông / Standby
Máy bàn (desktop) Máy xách tay (laptop)
CPU nhanh hơn CPU chậm hơn
CPU đời cũ (Pentium, G3/G4/G5) CPU đời mới (Core Kiếc)
PC Mac
Tải nặng
(vd, xài nhiều phần cứng, chơi game)

Tải nhẹ
(vd, chat, gõ văn bản)

Online (xài Internet) Offline
Màn hình CRT (to đùng) Màn hình LCD
Sp không đạt chuẩn Energy Star Sp đạt chuẩn Energy Star

Cụ thể:

  • Máy xách tay chỉ tiêu tốn tầm 15–45 watts, ít hơn nhiều so với máy bàn 60–300 watts. Máy ở chế độ chờ/ngủ chỉ tốn từ 0–6 watts.
  • CPU càng nhanh khi chạy càng tốn điện nhưng khi nhàn rỗi thì công nghệ mới lại tiết kiệm điện hơn. Chúng ta không bàn sâu hơn về vấn đề kỹ thuật này.

    Ảnh tự do của Michael Cornelius.

  • Mac được cho là tiết kiệm hơn PC, có lẽ là do phần cứng tối ưu hơn.1 Tuy nhiên chẳng ai dùng Mac ở Việt Nam, miễn bàn luôn.
  • Màn hình CRT dùng hết khoảng 80 watts, trong khi LCD chỉ tốn 35 watts.
  • Tải nặng tât nhiên là tốn điện nhiều hơn tải nhẹ. Tải nặng tức là bạn cho máy tính làm việc hết công suất: mở nhiều ứng dụng cùng lúc, xử lý phim ảnh, chơi game. Thậm chí cho màn hình hiển thị nhiều màu trắng quá cũng là tải nặng. (Màn hình đen ít tốn điện hơn.)
  • Online tốn tiền hơn vì nhiều phần cứng phải làm việc hơn.
  • Chuẩn Energy Star sẽ được đề cập trong một bài viết khác.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh lại với bạn là, đảm bảo máy tính của bạn ở chế độ chờ/ngủ mỗi khi không dùng quan trọng hơn tất thảy bạn đang dùng loại máy tính loại nào.


1Mac thật ra cũng là PC, ý ở đây là dòng máy Macintosh đặc chế để chạy Mac OS.

Tham khảo:
▪ Bluejay, Michael. “How much electricity do computers use?”

8 thoughts on “Sử dụng máy tính hiệu quả”

  1. bài viết của bạn khá tổng quan và dễ hiểu cho những người dùng máy tính.
    Mình có 1 số bổ sung:
    – Với Màn LCD thì màu đen hay trắng hoàn toàn không ảnh hưởng mà chính độ sáng của đèn back light mới quyết định năng lượng.
    – Các card đồ hoạ dòng cao tốn rất nhiều điện, có thể từ 50- 200W (bằng cả máy)
    – Online tốn điện hơn chủ yếu do modem ngoài hoặc wifi
    Với MTXT thì giảm độ sáng và tắt wifi, bluetooth cũng giúp tăng thời gian pin.

    Mình chưa rõ về Energy Star, chờ bạn Post sớm để tham khảo.

  2. Cảm ơn thông tin về màn hình LCD rất thú vị của hoang azzurri. Các thông tin khác cũng rất thú vị, mình sẽ dùng các facts này cho bài tiếp theo.
    Bài về Energy Star… sang năm sẽ có 😀

  3. hoang azzurri, mình nghĩ là màn hình LCD vẫn tốn điện hơn khi hiển thị màu trắng.
    Tối nay mình tắt hết điện trong phòng và nhận ra là màn hình trắng có thể chiếu sáng cả căn phòng trong khi màn hình đen thì không.
    Chưa kiểm chứng khoa học lại.

  4. đọc bài này rất dễ hiểu.nếu on/off nhiều lần cách bảo quản máy như nào là tốt nhất.Anh chỉ cho em với

  5. Hi Trang,
    Nếu bật tắt máy nhiều lần mình nghĩ bạn nên sử dụng chức năng Hibernate (ngủ đông) của máy tính, và đặt nút power của máy mặc định làm nhiệm vụ này. Mình sẽ viết chi tiết về cái này trong phần hai của bài viết.

  6. Việt nam đã có nhiều người dùng MAC chớ không phải là không có như bạn nói. Nhưng số này so với PC là quá ít. Thiệt ra dân Việt Nam mình có một quan niệm luôn cho rằng cứ MAC là đắt. Nhưng thiệt ra, hiện nay bạn chỉ cần 1000 $ đủ để mua 1 máy MAC, vừa kinh tế bằng cách tiết kiệm điện, vừa làm việc cực kỳ hiệu quả, vừa có chất lượng tốt cả về âm thanh, hình ảnh. Thế thì 1000 $ hoặc hơn thiệt ra chả đắt tí nào.
    Hãy dùng MAC để bảo vệ cho môi trường. Hi hi

  7. Mình xin đóng góp cách đặt chế độ Hibernation, các bạn có thể gán phím tắt bằng nút Power của máy tính để tiện đưa máy về chế độ ngủ đông theo các thao tác sau:
    + Starts -> Settings -> Control Panel
    + Mở Power Options, đến tab Hibernate. Đánh dấu kiểm vào mục “Enable hibernation”. Hoàn tất việc mở chế độ ngủ đông (Hibernation)
    + Tiếp đó ở tab Advanced, ở mục “When I press the power button on my computer”, tại menu xổ xuống, chọn Hibernate. OK
    + Đóng Control Panel lại. Giờ thì mỗi lần muốn tắt máy ở chế độ ngủ đông, các bạn chỉ cần bấm 1 phát vào nút nguồn. Chúc các bạn thành công!
    (Lưu ý, phân vùng chứa hệ điều hành cần trống ít nhất 1 dung lượng bằng bộ nhớ RAM trên máy các bạn)

Trả lời