Việt Nam là 1 trong 4 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất do global warming :((
Nguồn: Tuần Việt Nam — Bài của KTS. Trần Thanh Vân
Trận mưa đổ xuống lúc này, mực nước sông Hồng không còn quá cao, nước ở trong bơm ra, sông bên ngoài vẫn tiếp nhận và cuốn đi ra biển được – đó còn là cái may cho chúng ta. Nhưng bên cạnh đó là bài học để ta kịp thời sửa sai.
Lời cảnh cáo cuối cùng
Báo chí đưa tin rằng đây là trận mưa lớn từ 35 năm nay. Nói như thế chưa chính xác. Tôi cho rằng đây là trận mưa khủng khiếp đầu tiên đổ xuống Hà Nội vào lúc thời tiết sắp sang đông, và khủng khiếp hơn nữa vì nó đã cướp đi của Hà Nội hơn hai chục mạng người, còn làm thiệt hại bao nhiêu của cải vật chất thì không tính xuể.
Nếu trận mưa này đến vào mùa nước đang lên to, thuỷ triều dâng cao, trong bơm ra, ngoài ngấp nghé tràn vào, thảm hoạ sẽ khủng khiếp khôn lường. Ảnh: VietNamNet |
Tôi lặng lẽ chiêm nghiệm câu hỏi: “Trận mưa đến lúc này là may hay rủi?”
Nói rủi thì rõ quá rồi, trận mưa đến rất bất thường, làm mất người mất của như thế, không rủi sao được!
Nhưng tôi vẫn cứ cố lấy hết can đảm tự khẳng định lại rằng: rất may, trận mưa đổ xuống lúc này, mực nước sông Hồng không còn quá cao, nước ở trong bơm ra, sông bên ngoài vẫn tiếp nhận và cuốn đi ra biển được. Nếu trận mưa này đến vào mùa nước đang lên to, thuỷ triều dâng cao, trong bơm ra, ngoài ngấp nghé tràn vào, thảm hoạ sẽ khủng khiếp khôn lường.
Qua phố Hàng Đậu, sang Phan Đình Phùng, rẽ sang Lý Nam Đế, rồi đến phố Cửa Nam … mưa vẫn rơi nhưng phố sạch tinh, không nơi nào bị ngập. Hầu hết các khu phố cũ xây từ thời Pháp vẫn bình yên. Bà bán nước cho biết mấy ngày qua nước có ngập đôi lúc ở đôi nơi, nhưng rồi lại tiêu đi ngay, xưa nay vẫn thế.
Báo chí đưa tin, Hà Nội bị ngập sâu nhất và nặng nề nhất là ở quận Hoàng Mai, khu vực phố Tân Mai, Trương Định, Kim Ngưu… Khu vực này xưa nay vẫn thấp nhất Hà Nội, nguyên xưa kia là các làng làm đậu phụ, trồng rau.
Vùng này có rất nhiều ao hồ, bây giờ ao hồ bị lấp hết để xây nhà và để bán cho người mới đến tiếp tục xây nhà, dân mỗi ngày một đông. Tình trạng nhà nước chạy theo trào lưu tự phát của dân là nguyên nhân đẻ ra tấm áo rách nát như vậy cũng thật dễ hiểu.
Nhưng, đau đớn hơn cả lại chính là khu Trung tâm đô thị mới Mỹ Đình – nơi quy hoạch được coi là chuẩn mực và hiện đại, không gian rộng mênh mông, những toà nhà nghênh ngang như Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay Toà nhà Keangnam 70 tầng vừa làm xong phần móng … nhưng nước ngập cũng mênh mông như biển.
Phải chăng là rất may khi khu vực này chưa xây dựng xong, đất còn rất rộng để kịp sửa sai? Và phải chăng là tai hoạ xảy ra vào mùa này nên kịp làm mọi việc trong những ngày khô ráo sắp tới? Vì biết đâu năm sau sẽ có những trận mưa khủng khiếp hơn.
Tôi nghĩ là phương án sửa sai có rất nhiều để chọn, một trận lụt ngắn cảnh cáo kịp để giúp mọi người tỉnh ngộ.
Phớt lờ khoa học
Từ năm 1981 đến 1985, Viện Quy hoạch tổng hợp thuộc Uỷ Ban Xây dựng cơ bản Nhà nước (Viện QHĐTNT – Bộ XD ngày nay) có một chương trình NCKH cấp Nhà nước: “Bảo vệ Môi trường vùng Đông Nam Bộ” do GS Viện trưởng, KTS Đàm Trung Phường (đã mất) làm chủ nhiệm chương trình.
Mùa hè năm 1983, chúng tôi có ba bốn đề tài cùng có kế hoạch đi công tác thực tế 2 tháng ở TP Hồ Chí Minh, các khu cao su Phú Riềng, Phước Long, các vùng kinh tế mơí ở tỉnh Đồng Nai, Sông Bé. Kết quả nghiên cứu tận tuỵ thời kỳ đó cũng được Uỷ ban KHNN nghiệm thu và đánh giá cao.
Ngày đó đã có đề tài nói đến triều cường sẽ dâng cao và độ chua phèn, độ nhiễm mặn sẽ làm suy thoái nhiều vùng đất canh tác, có đề tài còn đề xuất cần học tập và hợp tác nghiên cứu kỹ thuất hệ thống đê ngăn biển của Hà Lan để áp dụng vào nước ta.
Rất tiếc, kết quả đó chỉ để nói… cho vui. 25 năm qua, không thấy ai nhắc lại việc đó.
Rất tiếc, các thông tin dự báo khoa học hình như không “lọt tai” những người có trách nhiệm, nên không hề có bất cứ một động thái nào thể hiện ý thức dự phòng. Ảnh: VietNamNet |
Tại sao kết quả nghiên cứu của người đi trước không thể được người đi sau xem lại để kế tục và phát triển? Phải chăng các đề tài NCKH vẫn chỉ được coi là thứ hương hoa như lá rau thơm rau mùi trang trí trên một mâm cỗ đầy thịt cá mà thôi?
Trước khi bàn đến chuyện kinh phí cho khoa học và đãi ngộ với những người làm công tác khoa học, tôi mong những người đại diện cho giới khoa học, hiện có trách nhiệm trong chính quyền ý thức được sứ mạng của mình là đưa được kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống thực tiễn. Việc này thật khó, nhưng phải làm bằng được vì đó chính là mục đích của công tác nghiên cứu khoa học.
Những năm gần đây, thông tin truyền bá kết quả nghiên cứu khoa học đã trở nên phổ biến và mọi người tiếp cận với nó thuận lợi hơn,. Nhưng như vậy không có nghĩa là ai ham hiểu biết thì cứ việc, còn ai không thích thì có quyền phớt lờ.
Ví dụ như vấn đề hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, băng tan, nước biển đang dâng cao, mưa gió thất thường, không đúng mùa, không đúng quy luật sẽ xây đến khốc liệt.
Người ta cũng cảnh báo rằng Việt Nam là một trong 4 quốc gia sẽ phải hứng chiụ nhiều hậu quả biến đổi môi trường nhất, cùng những thông tin hãi hùng là sẽ có 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa, Thành phố Hồ Chí Minh và một phần đồng bằng sông Hồng lẫn sông Mê Kông sẽ bị chìm trong nước biển… là những thông tin không còn xa vời nữa.
Ngay ở Hà Nội, nhiều bài báo của các nhà khoa học đã cho biết hơn 1000Km thượng nguồn sông Hồng sẽ đe doạ 300Km đi qua đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nơi bị đe doa úng ngập đáng lo nhất sẽ là túi nước ở trung tâm đô thị mới Mỹ Đình nếu xẩy ra vỡ đê hoặc tràn đê, vì khu vực này đã lấp hết ao hồ và đang bị bê tông hoá.
Rất tiếc, các thông tin dự báo khoa học hình như không “lọt tai” những người có trách nhiệm, nên không hề có bất cứ một động thái nào thể hiện ý thức dự phòng.
KTS. Trần Thanh Vân
Thảm họa đã đến rất gần. Phải hành động thật nhanh chóng.
Ồ, cái này giống ở SG ghê:
Còn cái sự phớt lờ khoa học ở ta thì miễn bàn rồi. Chừng nào còn chưa có bằng chứng cụ thể giữa việc nóng lên toàn cầu với trận mưa vừa rồi thì tôi không tin là năm sau mưa sẽ to hơn đâu; nhà chưa chìm thật thì lo gì.