Tiếp theo kỳ trước: Ngược chiều thế giới [1]: Tiêu dùng nhiên liệu Việt Nam đi ngược chiều thế giới
Nhiệt Huyết: Còn nhớ lần trước chúng ta đã điểm qua xu hướng ngược chiều thế giới thứ nhất của Việt Nam: tiêu xài năng lượng xa xỉ, chạy đua xe cộ to công suất lớn, gây ô nhiễm cao hơn không phải trả giá mà còn được trợ giá nhiều hơn v.v. Lần này chúng ta tiếp tục loạt bài thú vị này của tác giả Bùi Văn. Bài này đi vào xu hướng cung cấp năng lượng ngược chiều thế giới của ta, mà chủ yếu liên quan đến việc sản xuất thủy điện tràn lan, thời vụ.
▪
Nguồn: Vietnamnet
Miền Bắc đang xôn xao trận lũ đầu mùa, đến nay đã làm hơn 200 trăm người chết, bị thương và mất tích. Nhưng với ngành điện, đây là một dấu hiệu cho thấy lại sắp qua đi một mùa thiếu điện và cắt điện tràn lan. Chỉ trước đây một tuần, đài phát thanh vẫn đưa tin các hồ thủy điện đang ở mực nước chết.
Đặc điểm của nguồn nước cho thủy điện là mang tính thời vụ. Vào mùa mưa, các đập phải xả đáy do thừa nước. Vào mùa khô, người dân và doanh nghiệp lại giật mình thon thót khi nghe thông báo đập nước này hay hồ kia xuống đến mực nước chết. Mặc dù những thông báo này chẳng đáng giật mình, vì chuyện này năm nào cũng xảy ra. Còn ngành điện thì đến hẹn lại lên, xin người dân thông cảm cho lý do khách quan!
Nhà máy thủy điện Hòa Bình (ảnh: Báo ảnh Việt Nam) |
So sánh cơ cấu nguồn điện
Từ việc hàng năm cứ đến mùa khô lại thiếu điện nghiêm trọng, liệu có nên nhìn lại: công cuộc hiện đại hóa của Việt Nam có phải là “con tin” của thời tiết?
Tính đến cuối năm 2006, thủy điện chiếm 43% công suất ngành điện toàn Việt Nam. Có những thời điểm thủy điện đã chiếm đến 70% sản lượng điện quốc gia (theo báo cáo trong một hội thảo năm 2007). Trong khi đó, trên thế giới thì thủy điện chỉ chiếm 16-19% tổng lượng điện phát ra.
Ở Thái Lan, năm 2008 thủy điện chiếm 6% tổng sản lượng điện, con số này đã giảm so với 6,6% vào năm 2003.
Ở Mỹ, thủy điện chiếm 9% tổng sản lượng điện cả nước.
Ngay cả ở Trung Quốc, nơi có những đập thủy điện thuộc hàng lớn nhất thế giới, thì vào năm 2008 thủy điện chỉ chiếm 15% tổng sản lượng điện cả nước.
Bài viết này tuyệt đối không phản đối việc phát triển thủy điện. Tuy nhiên, rất cần đặt câu hỏi tại sao các nguồn điện khác ở Việt Nam lại không phát triển kịp, để đến nay các nguồn này chiếm chiếm tỉ lệ quá thấp so với thế giới?
Đối chiếu với tiềm năm, các chuyên gia năng lượng ước tính đến năm 2015 Việt Nam sẽ cơ bản khai thác hết tài nguyên thủy điện. Trong khi đó, một nghiên cứu của Liên hợp quốc năm 2005 cho thấy thế giới mới khai thác 15% tiềm năng của thủy điện.
Tuy thủy điện có cho phí vận hành thấp, nhưng chi phí đầu tư để xây dựng thủy điện lại cao hơn nhiều so với loại hình sản xuất điện khác. Việt Nam là một nước nghèo, nhưng về tỉ lệ thủy điện của chúng ta lại vượt trên thế giới, vượt trên cả những nước giàu hơn chúng ta. Có phải Việt Nam dư thừa vốn?
Việt Nam thiếu hay thừa vốn? |
Câu chuyện về dư thừa vốn (hay lãng phí) không chỉ thấy ở một ngành. Một ví dụ là khoản đầu tư gần nửa tỉ USD cho cầu Thanh Trì ở Hà Nội, cầu đã hoàn thành từ tháng 11/2006, nhưng đã gần 2 năm vẫn chưa chính thức đưa vào khai thác. Theo một ước tính, mỗi ngày chậm đưa vào khai thác làm thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng. Cầu Thủ Thiêm tại TP. HCM đã thông xe từ ngày 9/1/2008 với công bố: hoàn thành trước kế hoạch… 1 ngày! Nhưng từ đó đến nay, cây cầu 6 làn xe này vẫn chủ yếu để đi bộ ngắm cảnh. Đường dẫn ở cả hai đầu vẫn là những mớ ngổn ngang, và thậm chí im lìm bất động. Phần xây dựng cầu đòi hỏi cao về công nghệ và vốn thì đã hoàn thành. Phần đường dẫn chưa thể hoàn thành vì những lý do như quy hoạch và giải tỏa. Thế mới thấy, vấn đề không phải là vốn hay công nghệ, mà là trình độ quản lý. |
Nhiều nhà máy thủy điện của Việt Nam như Hòa Bình và Thác Bà đã được xây dựng bằng vốn viện trợ từ những năm 60-70. Vì vậy, giá thành đến nay rất thấp. Theo tiết lộ của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình năm 2007, giá thành điện của nhà máy thủy điện Hòa Bình được hạch toán ở mức 97 đồng/kWh.
Nếu lấy giá thành điện gồm cả những yếu tố gần như “cho không” này để đi thương lượng, thì chẳng ai muốn xây nhà máy nhiệt điện mới.
Các nước đều muốn có nguồn điện rẻ. Nhưng so với chi phí sản xuất ra một đơn vị điện, dù là loại hình điện nào, thì cũng thấp hơn rất nhiều so với tổn thất của việc đơn vị điện đó bị cắt, đặc biệt là cắt đột ngột.
So sánh cơ chế quản lý
Đã có bao nhiêu than phiền về sự độc quyền của ngành điện. Nhưng để hóa giải sự độc quyền này, thì công luận chưa có hướng thảo luận nào ngoài việc… chờ đợi.
Thế giới phân chia ngành điện ra làm ba công đoạn: sản xuất, truyền tải, và bán lẻ. Về nguyên tắc, trục truyền tải được coi là độc quyền tự nhiên. Khó có thể hình dung một đất nước lại có nhiều đường trục truyền tải của những công ty khác nhau.
Nhưng sản xuất và bán lẻ thì có phải có nhiều đơn vị tham gia. Toàn bộ hệ thống cũng giống như một cái cây: chỉ có một thân, nhưng có nhiều rễ và nhiều cành.
Hệ thống độc quyền ở khúc giữa (cái thân cây) lại quản lý luôn cả rễ (sản xuất), thì tất yếu sẽ có sự phân biệt đối xử giữa nguồn điện “trong nhà” và nguồn điện “bên ngoài”. Điều này đã xảy ra, gần đây nhất là những khúc mắc giữa Tập đoàn Điện lực và những nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí.
Ngày 7/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ đã tổ chức một buổi tọa đàm với các doanh nghiệp. Một con số được nêu ra: trong năm 2007 khu công nghiệp Trà Nóc chịu 275 lần cắt điện đột xuất. Các doanh nghiệp đang bàn nhau cùng làm đơn kiện ngành điện đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng hợp đồng mua bán do ngành điện soạn, tất nhiên trong đó đã gài đủ các điều khoản để khó có chuyện bồi thường xảy ra. Độc quyền làm cho khách hàng không có lựa chọn nào khác.
Mấy năm trước, trong tạp chí kinh tế nọ của Việt Nam đã có một lập luận, tưởng như hài hước nhưng tác giả lại có ý định nghiêm túc. Đó là: độc quyền mang lại siêu lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp. Độc quyền là xấu nếu chủ doanh nghiệp đó là tư nhân. Nhưng độc quyền là tốt nếu đó là doanh nghiệp nhà nước (thuộc sở hữu toàn dân), vì như vậy là toàn dân được hưởng siêu lợi nhuận!
Căn cứ theo cái lý thuyết kinh tế lạ lùng đó, độc quyền điện đúng ra phải mang lại lợi ích cho toàn dân. Nhưng cơ cấu nguồn điện khác với thế giới, thiếu điện, cắt điện đột xuất… lại làm khổ toàn dân. Phải chăng khái niệm toàn dân trong hai trường hợp này không giống nhau?
- Bùi Văn
Phải nói là ba cái vấn đề than phiền về quản lí ở nước ta thì ở đâu cũng nghe, nghe hoài không thấy ớn.
NH đã nghe về hiện tượng lãng phí nước ảo chưa?! Một vấn đề rất đáng chú ý để đề cập đấy!
Ha, cảm ơn bạn DinhHuong đã cho mình biết một khái niệm mới: Nước Ảo.
Sau khi đọc qua về nước ảo thì mình thấy thế này:
1. Nước ảo được định nghĩa như là tổng lượng nước từ a đến z cần dùng để sản xuất nên một sản phẩm hoàn chỉnh. (Vd như để sản xuất gạo thì cần nước để trồng cây, tưới cây, chế biến, vận chuyển v.v.)
2. Người ta chia lượng nước ảo trong quá trình sản xuất thành ba loại: nước xanh, nước blue và nước xám. Trong quá trình chế biến, nước xanh là lượng nước mất đi dưới dạng nước mưa bốc hơi (tức là nước sạch trở lại với tự nhiên). Nước blue là nước được dùng để chế biến sản phẩm (nước mất đi từ tự nhiên và không trở lại hệ thống ban đầu). Còn nước xám là nước ô nhiễm thải ra (nước mất đi từ tự nhiên và khó trở lại).
3. Đối với nhà sản xuất, duy trì một tỉ lệ phù hợp giữa 3 loại nước ảo này là yếu tố quan trọng để xem quá trình sản xuất một sản phẩm có xanh và tiết kiệm nước hay không. Bởi vậy việc bạn có “lãng phí” nước ảo hay không nhiều khi không quan trọng bằng việc lượng nước này sau đó sẽ được tái chế hoàn toàn hay trở nên ô nhiễm. Trong quá trình chế biến sản phẩm, công nghệ là yếu tố then chốt để quyết định tổng lượng nước ảo thải ra, và cũng quyết định đến “màu” của lượng nước này — nên giáp pháp khắc phục cho việc lãng phí nước ảo là công nghệ.
4. Còn hiện tượng lãng phí nước sinh hoạt ở Việt Nam nói chung còn rất phổ biến. Đây là vấn đề ý thức của người dân, và có lẽ cần có cách tiếp cận cũng như giải quyết khác với nước ảo. Giải pháp là gì?
Cái này có vẻ thú vị đây.