Bùng nổ nhiên liệu than tại Việt Nam

Bài báo này do chúng tôi dịch lại của tác giả Kay Johnson, đăng trên tạp chí Time viết về tình trạng sử dụng nhiên liệu than ở nước ta hiện nay, và tại sao chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm này.
Bản tiếng Anh ở đây.

Một nhà máy phát điện nằm ở ngoại thành Hà Nội

Một nhà máy điện ở ngoại thành Hà Nội — Hình của Julian Abram Wainwright

Ông Đào Duy Đăng nhớ lại cái đêm năm 1963, khi những ánh đèn điện bừng sáng ở Uông Bí. “Người dân đã rất vui mừng”, ông chủ quán nước 70 tuổi này đang nhớ lại không khí hân hoan xuyên suốt thị xã miền Bắc Việt Nam này sau khi một trong những nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của đất nước bắt đầu vận hành. “Cả đời họ ước mong được có điện.” Nhưng mọi sự diễn ra không như họ mong ước. Không bao lâu sau khi nhà máy đó hoạt động, vợ của ông Đăng bắt đầu mắc chứng ho vì khói đen dày đặc thải ra từ nhà máy bay ra khắp thị xã. Con cái của họ gần như bị mắc chứng chảy mũi kinh niên, và người dân sống gần đó liên tục phản ánh về những vấn đề sức khỏe khác. Khi chính phủ Việt Nam tuyên bố kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than thứ hai vào năm 2005, không ai còn thấy vui mừng nữa. “Người dân đã rất bức xúc”, ông Đăng nói.

Không chỉ có người dân tại Uông Bí gặp phải cảnh tiến thoái lưỡng nan này. Trên khắp Việt Nam — thực ra là ở hầu hết các nước đang phát triển — nhu cầu sử dụng nguồn điện rẻ gia tăng nhanh. Nhưng vì những nước này lựa chọn nguồn than phong phú để làm nguyên liệu sản xuất năng lượng, rất nhiều những lo ngại về một hiểm hoạ môi trường đang lớn dần lên. Trong khi cả thế giới đang chiến đấu để chống lại nóng lên toàn cầu, thì Việt Nam lại cho xây dựng mới 8 nhà máy điện đốt than trong vòng 5 năm qua và dự định đạt hơn 12 nhà máy cho đến năm 2012. Năm ngoái, năng lượng tạo ra từ than đá chỉ đóng góp 19% vào tổng sản lượng quốc gia, còn lại hầu hết dựa vào thủy điện và nhiệt điện khí đốt với khí thải thấp. Đến năm 2020, chính phủ ước đoán rằng than đá sẽ trở thành nguồn nhiên liệu hàng đầu tạo ra điện ở Việt Nam với sản lượng đóng góp đạt khoảng 34%.

Xu hướng này đã gây nên sự lo lắng cho Jasper Inventor, một nhà hoạt động về khí hậu và năng lượng của tổ chức môi trường Hoà bình xanh (Greenpeace). Những nhà máy nhiệt điện đốt than sản sinh ra 36% lượng khí thải gây nên sự nóng lên toàn cầu — lớn hơn nhiều so với lượng khí thải ra từ các hoạt động giao thông, chiếm khoảng 17% tổng lượng CO2 thải ra trên khắp thế giới, theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA). Inventor lo ngại rằng nếu lợi dụng quá mức vào than đá, những quốc gia như Việt Nam sẽ phạm phải một sai lầm khó, nếu không muốn nói là không thể, cứu chữa được. “Về lâu dài, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một kế hoạch thất bại cho Việt Nam”, Inventor nói.

Nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác. Để duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 8%, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), một công ty nhà nước, cần phải tăng gấp đôi công suất để đạt mức dự tính là 26.000 megawatts cho đến năm 2010. Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam đã gần như kiệt quệ, đập thuỷ điện Sơn La với công suất 2.400 megawatts đang được xây dựng là dự án quan trọng cuối cùng mang tính khả thi, ông Nguyễn Đức Long, người phát ngôn của EVN cho biết. Giá khí đốt tự nhiên, một nguồn nhiên liệu khác dùng cho máy phát điện đã tăng 15-20% trong vòng năm qua, lượng khí dự trữ trong nước quá ít và không đáp ứng được nhu cầu. Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng nhà máy đầu tiên sẽ chưa sẵn sàng hoạt động cho đến năm 2020. Trong khi đó, than đá thì sẵn có. Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có trữ lượng than đá vào khoảng 30 tỉ tấn — đủ để tạo ra nguồn điện trong vòng 100 năm. “Nếu chúng ta giữ được nhịp độ phát triển kinh tế và vẫn đảm bảo cho môi trường — thì tất nhiên, chúng ta sẽ chọn hướng đi đó”, ông Long nói. “Nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài than.”

Đó là kết luận mà những nước đang phát triển khác đã rút ra được. Từ năm 2001 đến 2006, sản lượng than được sử dụng để tạo ra điện trên toàn thế giới tăng 30%, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đến hơn ¾ mức tăng này, theo Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), tổ chức chuyên theo dõi vấn đề nóng lên toàn cầu. Thái Lan và Malaysia, những quốc gia vừa chuyển qua sử dụng các nhà máy nhiệt điện khí đốt trong vài năm gần đây, giờ đã quay lại với than. Ở đây không hề thiếu những nhà đầu tư. Mặc cho sự phản đối từ các tổ chức bảo vệ môi trường, vào tháng trước Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã chấp nhận đầu tư cho công trình xây dựng nhà máy điện than 2.200 Megawatt Mông Dương trị giá 1 tỉ đô-la ở miền Bắc Việt Nam. Tổ chức Hoà bình xanh đã cố gắng thuyết phục ADB thay vì nhà máy đó đó hãy đầu tư vào những dự án sử dụng nguồn nhiên liệu thay thế. Nhưng những công nghệ như năng lượng gió chưa đủ phát triển để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, theo ông Woo Chong Um, giám đốc năng lượng cho phát triển bền vững của ADB. “Chúng tôi đang cố gắng giữ cho Việt Nam sạch ở mức có thể dưới mọi hoàn cảnh”, ông Um nói. “Nhưng trong lúc đó, Việt Nam phải tự thắp sáng cho mình.”

Các quan chức Việt Nam nói rằng họ đang cố gắng làm giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi truờng của điện than bằng cách sử dụng công nghệ đốt than sạch và khuyến khích tiết kiệm năng lượng. EVN đã tung ra một chiến dịch hạ giá nhằm cổ vũ việc sử dụng bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm năng lượng. Việt Nam vừa thông qua luật không khí sạch đòi hỏi các nhà máy điện than mới phải thiết lập hệ thống lọc các chất độc sulfur dioxide và khí ni-tơ. Tại Uông Bí, EVN đã lắp đặt những hệ thống lọc trên những ống khói của các máy phát điện mới — một biện pháp mà ông Đăng cho rằng đã làm giảm bớt lượng khói đen thải ra. Nhưng ngay đến cả những công nghệ tiên tiến nhất cũng không làm đi nhiều lượng khí thải CO2. Cô lập carbon — một phương pháp được đưa ra để chống lại nóng lên toàn cầu bằng cách hút khí CO2 và bơm xuống lòng đất — cần ít nhất một thập niên nữa mới có thể sử dụng rộng rãi. “Làm sạch than là chuyện hoang đường”, Inventor nói.

Sự nghèo đói thì không, ông Long cho biết ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là phát triển kinh tế — và điều đó đòi hỏi nguồn điện dồi dào để sản xuất và đáp ứng nhu cầu của giai cấp trung lưu đang được mở rộng. “Nếu chúng ta không sử dụng năng lượng than, thì chúng ta sẽ bảo vệ được môi trường nhưng cũng sẽ chuốc lấy nghèo đói”, ông Long nói. “Chúng ta phải lựa chọn.” Việt Nam đã quyết định bật sáng ánh đèn trước, và đối phó với thay đổi khí hậu sau.

2 thoughts on “Bùng nổ nhiên liệu than tại Việt Nam”

Để lại một bình luận