Kỳ này Nhiệt Huyết xin giới thiệu với các bạn bài viết của anh Nguyễn Thành Long, một bạn đọc đã tham gia Nhiệt Huyết từ lâu. Anh hiện đang là sinh viên và tham gia nhiệt tình các hoạt động vì môi trường. Tuy nhiên, bài viết này không mang chủ đề môi trường — mà là Tiết kiệm. Đọc và hiểu thêm về tiết kiệm — và tại sao mà tiết kiệm lại là hào phóng — có thể sẽ mang đến cho bạn những điều mới mẻ và có ích. Hiểu về tiết kiệm trong cuộc sống nói chung cũng góp phần trả lời câu hỏi: vì sao chúng ta cần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
I. Thế nào là tiết kiệm?
Nếu bạn có 1 triệu đồng trong tay, bạn sẽ làm gì?
Hầu hết mọi người sẽ bắt đầu nghĩ đến những thứ mà họ muốn nếu có chừng ấy tiền. Sau đó bạn sẽ bắt đầu ngập chìm trong các sự lựa chọn khác nhau và cái nào cũng có vẻ đầy hấp dẫn. Vậy bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Liệu bạn có thể chọn được điều có ích nhất cho mình? Lời khuyên là hãy lựa chọn điều giúp bạn có thể tiết kiệm được tối đa tiền bạc nhưng vẫn đem lại cho bạn lợi ích lớn nhất.
Như vậy, tiết kiệm là khi bạn đứng trước nhiều sự lựa chọn và điều bạn chọn mang lại cho bạn lợi ích lớn hơn các điều còn lại, thì bạn đã giữ lại được rất nhiều nguồn lực của bản thân. Và như vậy bạn sẽ có thể dùng những thứ bạn đã tiết kiệm được vào việc khác có ích hơn. Hãy phân biệt tiết kiệm với keo kiệt, keo kiệt thường mang lại những điều có hại cho bạn hơn là có lợi.
Tại sao tiết kiệm lại là hào phóng? Khi điều bạn chọn đem lại nhiều lợi ích cho bạn thì dĩ nhiên bạn đang hết sức hào phóng với chính bản thân mình và ngoài ra nó có thể đem lại lợi ích cho nhiều người khác nữa.
II. Hãy tiết kiệm:
1. Tiết kiệm Tiền bạc:
Chúng ta hãy xem những người giàu nhất thế giới qua các thời đại tiết kiệm và hào phóng tiền bạc như thế nào:
a. Sam Walton với triết lý tiết kiệm cho mọi người:
Sam Walon là chủ tịch tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-mart và ông cũng rất nối tiểng về đức tính tiết kiệm.
Đây là một câu chuyện thực mà Stephen Pumphrey — thợ chụp ảnh — kể lại: “Tôi nhớ mãi cảnh một lần khi đang chuẩn bị chụp ảnh Sam Walton đứng trên đường băng tại một sân bay nhỏ ở Missouri. Ông ấy đang nhìn đường băng và tôi làm như vô tình đánh rơi đồng 5 xu, rồi quay sang đánh cá với trợ lý của tôi: “Hãy xem liệu ông ta có nhặt nó lên không?”
Máy bay đang cất cánh và hạ cánh, còn Sam vội bước tới, chuẩn bị tư thế như để chụp một bức ảnh khác. Ông nói: “Anh muốn tôi đứng phía nào trên đồng 5 xu đó?”. Còn đây là lời của Bud Walton – em trai Sam – về việc này: “Khi một đồng xu (chỉ một đồng xu) nằm trên đường phố, có bao nhiêu người sẽ nhặt nó lên? Tôi dám cá là tôi sẽ làm điều đó. Và chắc chắn Sam cũng sẽ làm y như vậy”.
Đối với Sam, bài học để đánh giá giá trị 1 đồng USD luôn ám ảnh trong cả đời kiếm tiền của ông. Ông nói: “Chỉ khi biết đánh giá đúng giá trị, lúc ấy mới có thể thu về những đồng USD khác”.
Đây là triết lý của ông đối với vấn đề tiền bạc: “Đôi khi có người hỏi tôi là tại sao lại ở trong một phòng trọ rẻ tiền như thế khi mà Wal-Mart đã đạt đến doanh thu trên 50 tỉ USD. Thật đơn giản, vì chúng tôi biết cách đánh giá giá trị của đồng USD. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tồn tại để cung cấp giá trị cho khách hàng của mình. Điều ấy có nghĩa là ngoài chất lượng và dịch vụ, chúng tôi phải tiết kiệm tiền cho họ. Mỗi khi Wal-Mart tiêu xài 1 USD hoang phí, nghĩa là tiêu đi số tiền lấy từ túi của khách hàng. Rất nhiều câu chuyện xa hoa đang diễn ra tại những công ty thành công khác. Nhiều tổng giám đốc chỉ ngồi chót vót trên cao và không quan tâm đến bất cứ người nào. Điều này khiến tôi buồn lòng. Đó là một trong những sai trái của giới kinh doanh Mỹ ngày nay!”
Bởi thế, Sam Walton luôn lo lắng về thế hệ tương lai của nhà Walton. Vì khi thế hệ này lớn lên, họ đã được thừa hưởng một gia tài và một nền tảng không gì có thể tốt hơn. Sam không thể bắt các con mình phải đi phát báo mỗi sáng như ông trước kia. Ông cũng không thể bắt các con mình thực hiện những bước đi của mình lúc trước. Điều đó là phi thực tế. Nhưng ông lo rằng thế hệ sau của ông có thể biến thành “một lũ nhà giàu vô công rỗi nghề”.
Bởi vậy, song song với việc điều hành công ty, công việc mà Sam luôn quan tâm trong cả cuộc đời mình là dạy dỗ, chăm sóc, tạo cho con cái một nền tảng giáo dục vững chắc. Những người con của ông từ khi sinh ra, lớn lên đều phải hiểu một triết lý: “Chỉ có thể giàu có bằng việc tiết kiệm và làm việc cật lực”.
b. Bill Gates, người giàu và tốt bụng nhất hành tinh.
Vua máy tính giàu nhất thế giới mà mọi người đều biết tới Bill Gates — Chủ tịch tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft của Mỹ cũng được báo giới mệnh danh là Super Smice — tạm dịch là “quá tiết kiệm”. Dẫu cho trong hầu bao Microsoft bao giờ cũng nặng trĩu tiền bạc nhưng người ta lại nói đến hai vị lãnh đạo Gates và Ballmer là những nhà tỷ phú hà tiện bậc nhất: họ thường xuyên đi máy bay trong khoang ghế hạng phổ thông! Nhiều người cho là họ làm điều này để làm gương cho các nhân viên. Bill Gates thì không cho là như vậy. Anh nói, anh chỉ đi bằng vé hạng hai vì thứ nhất là ghế hạng hai đủ tốt đối với anh rồi, thứ hai vì anh quá nổi tiếng nên dù mua ghế hạng hai thì nhiều khi anh vẫn được người ta mời lên ngồi ghế hạng nhất (!), và thứ ba là khi máy bay vắng nằm dài trên những ghế hạng hai thoải mái hơn nhiều so với ngồi ở ghế hạng nhất. Khi được phỏng vấn, nhà tỷ phú cho rằng, không nên phung phí tiền vào những việc không cần thiết. Theo ông hạng sang hay hạng thường không quan trọng mà nên nhấn mạnh vào hiệu quả công việc. Tiết kiệm của Bill Gates được nhằm vào mục tiêu tái sản xuất trong đó có việc thành lập các quỹ tài năng trẻ về công nghệ thông tin, đẩy mạnh quảng cáo và xa hơn nữa là làm việc từ thiện. Gates cũng nhấn mạnh rằng, đối với việc kinh doanh, không tiết kiệm thì không có sự lớn mạnh.
Tháng 6/2006 Bill Gate từ chức chủ tịch tập toàn Microsoft. Và ông dành 95% tài sản của mình để lập nên quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, hiện là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, với tài sản lên tới 29,1 tỷ USD. Ông giúp chống đói nghèo ở Châu Phi, chống bệnh AIDS trên toàn thế giới với một trái tim nhân hậu và hồn nhiên, không khoe khoang, không kể công, không ồn ào.
Warren Buffett, người đàn ông giàu thứ hai thế giới cũng tuyên bố sẽ dành phần lớn số tài sản 44 tỷ USD của mình góp vào quỹ từ thiện do tỷ phú Bill Gates và vợ sáng lập.
c. John Davison Rockefeller: “Vua Dầu hỏa” và triết lý giọt
Từ năm l6 tuổi khi mới biết làm ra tiền cho tới lúc chết, sự tiết kiệm của ông đã làm mọi người kinh ngạc. Mọi chi tiêu đều được ông ghi lại một cách chi tiết, từ chi phí theo đuổi người bạn gái đến lúc kết hôn, đi hưởng tuần trăng mật và mua sắm đồ sau ngày cưới…, thậm chí ngay đến chi phí 3 xu để mua tem gởi thư cũng được ông ghi vào sổ.
Ông đã sáng tạo ra phương pháp kinh doanh “khép kín toàn bộ” khi ông thành lập Công ty dầu mỏ Standard (Mobil), tức khống chế tất cả công đoạn và các bộ môn có liên quan đến kinh doanh, tự cung tự cấp tuyệt đối nếu điều kiện cho phép để giảm bớt chi phí cho công ty.
Đối với việc hạch toán ông rất nghiêm khắc, giá cả phải tính tới ba con số phía sau dấu phẩy. Ông kiên quyết yêu cầu mỗi sáng khi đến văn phòng, trên bàn làm việc của ông phải có một biểu đồ báo cáo về lãi ròng của ngày hôm trước. Để tiết kiệm phí vận chuyển, ông cho xây dựng đường ống dẫn dầu. Đến năm l876, công ty Mobil (Standard) đã xây dựng được 644km đường ông dẫn dầu và một kho chứa l.500.000 thùng dầu tại cuối đường ống.
Có một lần Rockefeller đứng quan sát một công nhân vô thùng tại công xưởng. Khi thấy người công nhân cứ mỗi khi hàn nắp đậy thì dùng 40 giọt nguyên liệu hàn. Ông yêu cầu người công nhân thử dùng 38 giọt, kết quả là bị rò rỉ. Sau đó người công nhân này dùng thử 39 giọt, thùng dầu được hàn tôt không bị rò rỉ. Kể từ đó, “39 giọt” trở thành mức quy định trong thao tác hàn nắp thùng của Công ty Mobil.
Trong gia đình, kinh doanh và cả trong đời sống cá nhân, Rockefeller bao giờ cũng giữ nguyên tắc tiết kiệm. Nhưng đối với phúc lợi xã hội thì ông mạnh dạn quyên góp, không bao giờ tỏ ra bủn xỉn. Chỉ riêng quỹ tài trợ học bổng của Rockefeller, năm 1910 đã lên đến con số 45 triệu USD.
Từ năm l898 về sau, do điều kiện sức khỏe Rockefeller không còn trực tiếp đến công ty làm việc, mà chỉ thông qua đường dây điện thoại để điều hành, ông càng có điều kiện để tham gia công tác từ thiện. Tính tổng cộng ông đã cho hoặc lập hội từ thiện chừng 200 triệu USD. Một số nhà sử học Mỹ đã viết :”Rockefeller từ một cỗ máy làm ra tiền đã trở thành một nhà bố thí lớn của nước Mỹ”.
Rockefeller — cuối TK 19, Sam Walton — đầu TK 20, Bill Gates — cuối TK 20 và đầu TK 21. 3 tỷ phú ở 3 thời đại khác nhau nhưng họ đều có 1 điểm chung mà chúng ta đáng để noi theo đó là rất tiết kiệm. Thứ mà họ tiết kiệm không chỉ là tiền bạc mà còn là những thứ sau đây.
(Còn nữa.)
>> Xem tiếp phần 2.