Tốc độ thay đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của giới khoa học và tình trạng đó có thể gây nên những hậu quả đáng sợ sau nửa thập kỷ nữa, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tuyên bố.
Theo WWF, những thảm họa thời tiết, chẳng hạn như mùa hè kinh khủng từng giết chết 35 nghìn người ở châu Âu trong năm 2003, sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
WWF nhận thấy Bắc Băng Dương có thể hết băng sớm hơn ít nhất 30 năm so với dự báo của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc.
Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, trong vòng 5 năm nữa chúng ta sẽ không nhìn thấy băng ở Bắc Cực vào mùa hè – điều chưa từng xảy ra trong hơn một triệu năm qua. Hiện tượng đó có thể mở màn cho một giai đoạn mà trong đó, các thay đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng và bất ngờ, chứ không chậm và đều như hiện nay.
Báo cáo của WWF, mang tên “Thay đổi khí hậu: Nhanh hơn, mạnh hơn và sớm hơn” cũng cho rằng, tình trạng mùa màng thất bát, lũ lụt ở Bắc Âu và hạn hán kéo dài ở Địa Trung Hải sẽ xảy ra thường xuyên. Số lượng và cường độ những cơn lốc xoáy tại Anh và nhiều nơi khác sẽ tăng lên.
WWF kêu gọi Liên minh châu Âu hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0% vào năm 2050 để nhiệt độ toàn cầu sẽ không tăng quá 2 độ C. Bước đi đầu tiên là giảm 30% lượng khí thải hiện nay vào năm 2020.
Hiện tại, chỉ có Anh cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050. Chính phủ Anh khẳng định họ có thể đạt được mục tiêu bằng cách sử dụng năng lượng tái sinh và xây dựng các nhà máy điện thế hệ mới. Các quốc gia châu Âu khác, trong đó có Italy và Ba Lan, cho rằng việc cắt giảm khí thải là điều khó thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay.