Thư ngỏ cho chiến dịch Nhiệt Huyết

Bạn thân mến,

Trái Đất, ngôi nhà duy nhất của chúng ta, đã được 4,6 tỉ năm tuổi. Suốt thời gian này, muôn vạn những vận động và biến đổi đã tạo ra một Trái Đất kỳ diệu như ngày nay. Và điều kỳ diệu nhất là Trái Đất đã nuôi dưỡng sự sống cho biết bao sinh vật, trong đó có loài người. Ngôi nhà của chúng ta là nơi duy nhất hiện nay trong vũ trụ ẩn chứa sự sống.

200.000 năm trước, Homo Sapiens (loài người tinh khôn) hình thành sau 6,5 triệu năm tiến hóa, và từ đây chúng ta có được đặc ân sinh sống trên hành tinh tuyệt vời này. So với những sinh vật khác, chẳng hạn loài khủng long đã từng thống lĩnh mặt đất trong trong khoảng 160 triệu năm, thì thời gian tồn tại của loài người đến nay quả là quá bé nhỏ. Chúng ta chỉ là em út trong hệ sinh thái Trái Đất. Nhưng loài người là một sinh vật đặc biệt.

Con người tạo ra lửa, nấu ăn, may quần áo. Con người giao tiếp, trao đổi thông tin, chú ý đến cái đẹp, bày tỏ bản thân. Con người tò mò, tìm hiểu, giải thích và điều khiển tự nhiên xung quanh. Chúng ta làm chủ công nghệ kỹ thuật. Chúng ta thống trị tất cả các lục địa và sinh tồn trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Chúng ta thám hiểm Nam Cực, lặn xuống biển sâu, bước trên Mặt Trăng, bay trong vũ trụ. Trái Đất tạo ra loài người và từ đó chúng ta cũng biến đổi Trái Đất hoàn toàn. Bộ mặt của hành tinh ắt hẳn sẽ không như ngày nay nếu không có con người ở đó.

Nhưng mối quan hệ đặc biệt và thân thiện đó giữa con người và Trái Đất đang trở nên xấu đi. Loài người đặt quá nhiều áp lực lên Trái Đất và Trái Đất bắt đầu bùng nổ. Những hành vi tiêu cực của chúng ta đang làm chuyển biến dữ dội môi trường Trái Đất. Và một trong số đó là hiện tượng nóng lên toàn cầu, được xem là cuộc khủng hoảng khí hậu nặng nề nhất mà con người gặp phải trong lịch sử.

Nóng lên toàn cầu là hiện tượng tăng nhiệt độ trung bình của không khí và các đại dương trong vài thập kỷ gần đây, diễn ra khắp mọi nơi và hâm nóng cả hành tinh, phá vỡ hệ sinh thái toàn cầu. Nguyên nhân chính gây ra điều này là sự tăng nhanh hiệu ứng nhà kính mà hẳn các bạn đã biết đến: con người đốt quá nhiều nhiên liệu, thải CO2 vào khí quyển và tấm màn dày đặc này giữ nhiệt làm nóng Trái Đất.

Nóng lên toàn cầu làm cho băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan ra, khiến mực nước biển dâng lên cao nhấn chìm các khu vực ven biển và gây lụt lội khắp nơi; những sinh vật chỉ sống được ở vùng khí hậu lạnh sẽ đứng bên bờ vực tuyệt chủng; nhiệt độ tăng còn gây nên hạn hán và làm cạn kiệt nguồn nước ở các quốc gia vốn có lượng mưa trung bình ít ỏi. Bạn có thể thấy rõ biểu hiện của những hậu quả này trong những năm gần đây: băng tan nhanh ở Nam Cực và Greenland, bão nhiệt đới ở Châu Á và cuồng phong ở Châu Mỹ tàn phá dữ dội, lụt lội và hạn hán nghiêm trọng cùng một lúc ở Châu Á, nắng nóng kỷ lục ở Châu Âu khiến hàng vạn người chết. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đối mặt với những thảm họa thiên nhiên chưa từng có: Bão Xangsane với cấp độ lớn vượt mọi ghi chép từng có, rét mướt bất thường kéo dài kỷ lục ở miền Bắc, hạn hán kéo dài hủy hoại ngành trồng trọt và điện lực v.v.

Bạn thấy đó, hiện tượng này diễn ra trên toàn cầu. Chúng ta đang bước vào thời kỳ của hậu quả. Chúng ta cần ý thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề, và ngay lúc này, chúng ta cần phải hành động để sửa chữa sai lầm và trả lại cho Trái Đất sự ổn định vốn có.

Chúng ta đã thấy dấu hiệu của những thay đổi to lớn diễn ra trên Trái Đất. Nhưng chúng ta thường phản ứng chậm chạp với những thứ diễn ra có vẻ từ từ, và thật khó để hình dung được những hậu quả trong tương lại mà hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ gây ra. Chúng ta cần một cú hích.

Một trong những người đầu tiên ý thức được hiểm họa này và tiên phong kêu gọi chống lại nóng lên toàn cầu là Al Gore, cựu phó Tổng thống Hoa Kỳ. Ông vừa được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2007 vì những cố gắng không mệt mỏi trong nỗ lực cảnh báo mọi người và đề xuất những giải pháp giải quyết nóng lên toàn cầu. Hiện nay ông còn là chủ tịch của Liên minh bảo vệ khí hậu, một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu thay đổi nhận thức của công chúng về tính cấp bách và các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Hơn 1.000 buổi diễn thuyết của Al Gore suốt những năm qua là nguồn cảm hứng để đạo diễn David Guggenheim dựng nên bộ phim tài liệu An Inconvenient Truth (Một Sự Thật Mất Lòng). Bộ phim là ghi chép chân thực nhất về thông điệp mà Al Gore luôn cố gắng truyền đạt. Trong phim, chúng ta hòa cùng những buổi thuyết giảng của ông khắp nơi trên thế giới về vấn đề này. Thông điệp của bộ phim rõ ràng và mạnh mẽ đến mức ngay sau khi xem phim, chúng tôi bừng tỉnh và nghĩ đến điều này (như một trong những câu cuối cùng trong phim): Khuyến khích mọi người cùng xem bộ phim.

Đó là ý tưởng đơn giản của cái mà chúng tôi gọi là chiến dịch Nhiệt Huyết, chúng tôi mong là có thể truyền được nhiệt huyết cho bạn. Và hy vọng khi bạn cùng đứng vào Nhiệt Huyết, bạn cũng sẽ truyền nhiệt huyết cho các bạn của mình.

Bạn thân mến,

Chúng ta, con người khắp nơi trên thế giới, cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng này. Đây không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề đạo đức. Chúng ta có đủ mọi thứ để bắt đầu, có lẽ ngoại trừ sự sẵn lòng hành động nữa thôi. Nhưng bạn biết đó, mong muốn hành động là một nguồn có thể đổi mới được. Hãy thay đổi nó!

NhietHuyet.org

3 thoughts on “Thư ngỏ cho chiến dịch Nhiệt Huyết”

  1. Chao cac ban! Toi cam thay du an nay rat hay. Toi rat muon giup do cho cac ban. Co the cho toi biet minh lam gi duoc cho du an day? Cam on.

Để lại một bình luận