Category Archives: Tổng hợp

Phóng sự ảnh: Cù Lao Chàm nói không với túi nilông

Đăng lại từ link này.

(LĐĐT)Biển hiệu giản dị, dễ hiểu, viết cho các ngư phủ mặn mòi được căng khắp đảo Cù Lao Chàm, được dán ở các cái làn đi chợ, các gốc cây gờ đá: “Vì Cù Lao Chàm, vì biển xanh, đảo xanh”; “Xách giỏ đi chợ – phong cách của người nội trợ”; “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường
Continue reading Phóng sự ảnh: Cù Lao Chàm nói không với túi nilông

Ghi nhanh: Sông Vu Gia

Hôm kia mình có chuyến chạy lên vùng thượng nguồn sông Vu Gia với cô Annie (thiệt ra là chưa tới nguồn tại phải qua tới Lào mới tới — chỉ lên tới Cà Ty, Pà Lăng, Prao, Hiên thôi) và được chứng kiến thiên nhiên tươi đẹp dọc bờ sông, đường đi cũng rất quyến rũ.

Đáng buồn là sông thì ô nhiễm rất rất nhiều, nước đỏ lòm từ đầu tới cuối. Chủ yếu theo quan sát là do đào đãi vàng, giật mình nổ núi lấy vật liệu và đập nước làm cạn dòng. Nhiều chỗ sông cạn gần trơ đáy do đập, cũng có chỗ sông tắc nghẽn do đá đổ ra từ mấy cái máy/thuyền đào vàng (sẽ upload ảnh để các bạn dễ tưởng tượng — người ta đào vàng lẻ tẻ thì cũng xài máy chớ không dùng tay nữa). Tiếc là không lên tới Phước Sơn chỗ có mấy nhà máy đào vàng của các đại gia Indo và Malay được tại không có thời gian và gọi điện hỏi thăm trước thì họ cũng không cho vô du hí.

Nhà máy thủy điện thì nhiều mà dừng ở Prao ăn cơm thì cúp điện.

Núi sông vùng xanh rất bắt mắt nhưng chỗ đỏ lòm như chảy máu rất đau lòng.

Trong dòng nước đen ngòm này thì ngoài đất đá có chứa cả Thủy Ngân và vài hoá chất độc khác dùng trong lúc đãi vàng. Tất cả chảy về hệ thống nước uống thành phố ta, chảy về sông Hàn, biển Đông. Đọc mấy link ở dưới để biết thêm chi tiết — kể cả cá ở biển cũng bị ảnh hưởng chớ đừng nói là người ở đây.

Một chút thực trạng và cảm xúc sau chuyến đi chia sẻ như vậy với các bạn. Mình phải làm gì đó chớ không thì không biết sao nữa. Chuyến đi chỉ tốn 1 buổi sáng và chiều đi đường không mệt lắm chỉ sợ trời mưa thôi — nên nếu thích thì anh em sắp xếp đi 1 chuyến cho biết tại trăm blog không bằng một thấy.

Ra Quân Earth Hour 2010 (2)

Hòa chung không khí hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất từ khắp nơi trên thế giới, tuổi trẻ Đà Nẵng dưới sự hỗ trợ của Stupid Team (liên minh 3 câu lạc bộ: Dutec, nhiệt huyết, đà nẵng xanh) — đại diện mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam, CLB Đại sứ môi trường BYEE Công ty Bayer đã có hơn hai tuần “ăn ngủ” cùng Giờ Trái Đất, góp phần đưa Giờ Trái Đất đến gần hơn với người dân và các doanh nghiệp Đà Nẵng.

Chiến dịch được bắt đầu bằng buổi lễ phát động hưởng ứng Giờ Trái Đất 2010 do Stupid TeamBYEE tổ chức vào sáng chủ nhật 21/03/2010 tại trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng. Trong buổi lễ này, thành viên các câu lạc bộ môi trường, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên khắp địa bàn Đà Nẵng đã tham gia và được giới thiệu về Giờ Trái Đất, mối liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và ý định thực hiện chiến dịch kêu gọi mọi người cùng tham gia Giờ Trái Đất. Cuối buổi lễ, các khách mời tham dự đã cùng ký cam kết tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất.

Chiều cùng ngày, ban tổ chức đã chính thức phát động buổi ra quân chiến dịch Giờ Trái Đất 2010. Các bạn sinh viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ, toả ra các tuyến đường chính (bao gồm: Lê Duẩn, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo và Phạm Văn Đồng) làm thành 1 chữ H khổng lồ, tượng trưng cho chữ “Hour” trong “Earth Hour” để tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp cùng tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất.

Những ngày tiếp theo, công tác ra quân được các bạn trẻ tiếp tục thực hiện hăng hái và sôi nổi. Cuộc vận động được thực hiện rộng khắp đến nhiều đối tượng: nhà dân, trường học, doanh nghiệp, v.v. trên toàn thành phố. Nhiều hình thức tuyên truyền bao gồm truyền miệng, truyền tin online, sử dụng sticker và áp phích có logo Giờ Trái Đất, tổ chức đêm thắp nến… được các bạn sử dụng triệt để.

Đến chiều 26/03/2010, đã có 35 đơn vị cam kết thực hiện một giờ tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào Giờ Trái Đất. Hàng loạt các nhà hàng, khách sạn lớn dọc hai bờ sông Hàn như Khách sạn Green Plaza, Khách sạn RiverSide, Khách sạn Varna, Khách sạn Bamboo Green, Cafe Karty, Nhà hàng Thế giới, Nhà hàng Mr. Pizza, v.v. đã tích cực ủng hộ và hưởng ứng sự kiện. 3 trường Đại học lớn trên địa bàn thành phố: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế và Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng cũng đã đồng loạt ký cam kết tham gia.

Ngày 27/03/2010, sông Hàn lộng gió, Giờ Trái Đất đã ngầm khởi động. Từ chiều, phần đông người dân Đà Nẵng đã tắt đèn, cùng gia đình, người thân nô nức đi xem pháo hoa. Hồi hộp đếm ngược thời gian, Giờ Trái Đất cuối cùng cũng đã đến. 8h30 tối, như đã cam kết, hàng loạt các toà nhà khách sạn, nhà hàng, cà phê, trường học, ký túc xá… tắt các bóng đèn không cần thiết để chào mừng Giờ Trái Đất cũng như những chùm pháo hoa đầu tiên của mùa lễ hội. Một số nơi như nhà hàng Thế Giới, Mr. Pizza hay cafe Karty đã tắt hết toàn bộ các bóng đèn và sử dụng nến thay thế, tạo cho thực khách nhiều cảm xúc thú vị. Các chiến sĩ Giờ Trái Đất cũng quây quần bên nhau, thắp lên những ngọn nến hy vọng cho một tương lai xanh tại các khu Ký túc xá trường Đại học Sư phạm và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Ngay cả sau khi Giờ Trái Đất đã diễn ra, âm hưởng của sự kiện này vẫn còn nóng hổi. Nhiều bạn trẻ đã liên lạc với Ban tổ chức để trao đổi thông tin và chia sẻ mong muốn thay đổi cách ứng xử với môi trường theo cách thân thiện hơn. Trên các tuyến đường chính, những tấm poster mang logo 60 phút tắt điện của Giờ Trái Đất vẫn còn được treo cao như thể hiện sự đồng tình của nhiều khách sạn và doanh nghiệp. Quả thật, dù Giờ Trái Đất 2010 đã trôi qua, nhưng thông điệp và ý nghĩa thực sự của sự kiện này, “thay đổi lớn cho Hành tinh chúng ta có thể bắt đầu bằng những hàng động nhỏ” đã lan tỏa và có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.

Đây là năm đầu tiên Đà Nẵng tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất, ghi tên mình vào danh sách những thành phố bầu cử cho Trái Đất. Tin rằng với nhiệt huyết, năng nổ và tình yêu tha thiết đối với quả đất này, các bạn trẻ Đà Nẵng sẽ tiếp tục những chiến dịch — không chỉ một giờ, mà là nhiều giờ Trái Đất nữa, để Đà Nẵng trong tương lai thực sự trở thành thành phố môi trường.

—Thanh Hương

Ra Quân Earth Hour 2010 (1)

NHẬT KÝ NGÀY RA QUÂN
HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH OUR EARTH – EARTH HOUR – 21/03/2010

—Thanh Hương tổng hợp

Sau gần 2 tuần lên kế hoạch và chuẩn bị tích cực, hôm nay Stupid Team chúng tôi đã tổ chức buổi lễ phát động và ra quân hưởng ứng Earth hour.

Sáng sớm, thấy trời chuyển u ám hơn mọi ngày, lại có mưa lất phất, thế mà lại đánh dấu một ngày làm việc vì Trái đất đầy khởi sắc của thanh niên môi trường bọn tôi.

Công tác chuẩn bị cho buổi lễ đến 7h30 đã đâu vào đấy. Khách mời tham dự bao gồm các bạn sinh viên đến từ các trường đại học trong thành phố, các anh chị phụ trách Đoàn trường cùng cánh nhà báo cũng đã đông đông.

Đến 8h, MC dí dỏm và uyên bác của Stupid Team — Nhật Hoàng — bắt đầu buổi lễ bằng vài nét phác họa giới thiệu Giờ Trái đất qua các con số, hình ảnh tư liệu, và một đoạn phim ngắn. Đoạn phim chỉ có 3 phút, song thật truyền cảm. Chỉ đơn giản là các bóng đèn bỗng tắt phụt đi, người người cùng quây quần bên nhau thắp nến, đàn hát, nhảy nhót ở khắp nẻo thế giới. Ấy vậy mà nhìn vào những ánh nến lung linh, ánh mắt hào hứng và những ánh cười rạng rỡ, bỗng dưng thấy mình cũng muốn hòa ngay vào cái không khí tắt đèn bật tương lai ấy, vào cái khao khát bảo vệ hành tinh yêu thương của bè bạn năm châu.

Đây là hình ảnh bạn Nhật Hoàng giới thiệu về Earth Hour và chiến dịch Our earth – Earth hour:

Kế đến là những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu cũng như mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và Giờ Trái đất, được bạn Hoàng phổ biến thật dễ hiểu và gần gũi. Chúng tôi được coi một đoạn trích từ bộ phim môi trường “An inconvinient truth” (Một sự thật mất lòng), đầy ấn tượng và đã đánh mạnh vào nhận thức mỗi người xem về tính chất nguy cấp của Trái đất. Các bạn sinh viên liên tiếp nêu ra các câu hỏi, thắc mắc cũng như chia sẻ những tâm tư, kinh nghiệm và hành động của bản thân trong việc bảo vệ môi trường.

Một trong những thắc mắc quan trọng về những hành động thiết thực mỗi chúng ta có thể thực hiện ngay để bắt đầu cuộc sống thân thiện với môi trường hơn được bạn Hương đề cập trong phần Green Tips cô đọng.

Phần sôi nổi nhất của buổi lễ có lẽ là lúc chia ra các nhóm để thảo luận về cách thức tuyên truyền vận động mọi cá nhân, tổ chức tham gia Giờ Trái đất:

Sau khi chị Trang giới thiệu sẽ có một chiến dịch ra quân kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái đất vào buổi chiều, khác hẳn với không khí hơi im ắng và ngập tràn suy tưởng lúc đầu, các thành viên tham dự lúc này bỗng hào hứng hẳn lên. Mỗi người một ý, mọi người thi nhau bàn bạc các kịch bản để buổi chiều đi làm công tác tư tưởng với các đối tượng cần vận động. Nhìn các bạn mê say thảo luận, tôi chợt thấy nhiệt huyết tuổi trẻ bừng lên trong tim mình, đang kết sợi dây vô hình nối với bao con tim khác đang cùng ngồi trong hội trường B4 của trường Đại học Sư phạm này.

Kết thúc buổi lễ là phần ký cam kết hưởng ứng Giờ Trái đất lên Banner Earth hour mà chúng tôi đã chuẩn bị trước:

Mọi người tranh nhau ký, trông ai cũng như phất lên vẻ tự hào vì mình đang bỏ phiếu cho Trái đất. Tôi cũng tranh thủ kiếm ngay một góc nhỏ, ký tên mình kèm theo dòng chữ VOTE EARTH lên đó. Vậy là tôi đã bỏ một phiếu bầu cho Trái đất rồi!

2h chiều, tất cả chúng tôi – đội quân nhiệt huyết đã bầu cho Trái đất ban sáng, nô nức tập trung lại dưới chân cầu sông Hàn. Quây quần quanh cái poster Earth Hour to bự, bọn tôi cười toét ra chụp một tấm hình, chính thức ra quân đi kêu gọi mọi người hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất: (Ảnh đang được cập nhật.)

Sau đó, các nhóm tỏa ra các nhánh đường đã được phân công để thực thi các chiến lược kêu gọi đã bàn bạc ban sáng. Các tuyến đường chính mà chúng tôi triển khai vận động đó là: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn vào Phạm Văn Đồng. Nếu vạch bút màu lên bản đồ mấy chặng đó, bạn sẽ thấy hiện lên một chữ H khổng lồ, tượng trưng cho chữ Hour trong Earth Hour:

Đến 5h chiều, các nhóm tập kết lại địa điểm cũ, báo cáo kết quả vận động với chị Trang. Và đây là một số hình ảnh các đội quân chiến thắng trở về:

Thành quả của cả một buổi chiều làm việc vất vả cũng không tệ chút nào, có 23 doanh nghiệp đã ký cam kết đồng ý tham gia hưởng ứng Giờ Trái đất cùng chúng tôi.

Cả mấy vị khách du lịch quốc tế cũng được chúng tôi vận động tích cực nữa nhé:

Chị Trang còn báo thêm một tin vui nữa là toàn bộ trường Đại học Sư phạm và Ký túc xá Đại học Bách khoa (Đà Nẵng) đã đồng loạt hưởng ứng Giờ Trái đất. Tin vui gửi về tới tấp, mọi người ai nấy đều hân hoan. Cuối cùng ngọn lửa nhiệt huyết đã được truyền đi khắp nơi, thùng phiếu bầu cho Trái đất vậy là đã dày thêm một chút. Chiến dịch ra quân kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái đất tại Đà Nẵng bước đầu đã đơm hoa. Ngày mai, mai nữa, chúng tôi lại tiếp tục hành trình kiếm thêm những lá phiếu mới cho Trái đất. Sẽ là một tuần hành động cho một giờ tắt điện để bật sáng tương lai.

Đã đến lúc ra về. Chia tay các bạn, chạy xe về dọc đường Bạch Đằng, nghe gió sông Hàn thổi xiên xiên, tôi thấy lòng mình chợt dâng lên những niềm riêng khó tả. Khi bạn làm được một điều gì đó có ý nghĩa, cái cảm giác hân hoan vui sướng sẽ hiện diện. Tôi cũng thế. Là thanh niên của tuổi trẻ Đà Nẵng, nhận thức được sự sống của Trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng, tôi hiểu rằng mình cần phải làm nhiều hơn nữa những việc như hôm nay.

Rồi bỗng dưng tôi thấy Đà Nẵng — đất, núi, sông, đường phố, con người trở nên đẹp lạ, yêu lạ. Chưa đầy một tuần nữa sẽ đến Giờ Trái đất, tôi miên man mơ mộng đến cảnh thành phố xinh xắn của tôi lúc ấy sẽ tắt hết đèn và bắn vút lên những chùm pháo hoa rực rỡ chào mừng Giờ Trái đất, tất cả sẽ thật đẹp, thật lung linh và đầy ý nghĩa…

Vẫn biết là sẽ còn nhiều khó khăn để Giờ Trái đất được hưởng ứng rộng khắp thành phố, nhưng trong tôi vẫn ngập tràn hy vọng. Vì nhiệt huyết của tuổi trẻ Đà Nẵng đang sục sôi, vì người dân Đà Nẵng đang và sẽ nhất trí đồng lòng vun đắp cho một thành phố môi trường. Tin rằng, bạn và tôi, sau ngày hôm nay sẽ tham gia tích cực vào Giờ Trái đất, không chỉ sáu mươi phút tắt đèn vào tối 27/03 tới mà sẽ còn nhiều cái sáu mươi phút nữa của hôm sau, của tháng sau và của năm sau, sau nữa. Biểu trưng tắt đèn đó rồi sẽ lan tỏa rộng khắp, cùng hòa nhịp với hàng triệu con tim đang ra sức giành lấy sự sống cho hành tinh này.

NOT STUPID ANY MORE!

Đừng ngu ngốc thêm nữa bạn nhé!

—Thanh Hương

Một viễn cảnh năm 2070

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần

TTCT – Life in the year 2070 (Cuộc sống năm 2070) là một trong những bài viết chưa được công bố của cựu tổng thống Ấn Độ – tiến sĩ A. P. J. Abdul Kalam. Nó là một cuộc đối thoại nhân bản giữa các thế hệ về giá trị của môi trường tự nhiên đối với sự tồn vong của loài người.

Tuổi trẻ cuối tuần

“Hiện chúng tôi đang sống vào năm 2070. Tôi vừa mừng sinh nhật lần thứ 50, thế mà trông như ông cụ 85 tuổi. Tôi bị đau thận rất nặng vì uống quá ít nước. Tôi nghĩ mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Hiện giờ tôi đã là người lớn tuổi nhất ở đây.

Tôi vẫn còn nhớ về khoảng thời gian khi mới lên 5 tuổi, mọi thứ đều rất khác với hiện nay. Lúc ấy có nhiều cây trong công viên, nhiều căn nhà trong những khu vườn tuyệt đẹp, và tôi có thể tắm thật lâu dưới vòi sen cả giờ đồng hồ. Vậy mà giờ đây, chúng tôi chỉ có thể vệ sinh thân thể bằng những chiếc khăn ẩm thấm dầu khoáng dùng một lần rồi bỏ.

Trước đây phụ nữ thường tự hào về mái tóc mềm mại và suôn thẳng của mình. Thế mà bây giờ, mọi cô gái đều phải cạo trọc đầu để giữ vệ sinh khi không còn nước gội rửa. Trước đây cha tôi từng xịt rửa xe hơi bằng những luồng nước ào ạt tuôn ra từ chiếc ống dẫn, nay thì lũ con của tôi khó mà tin nổi rằng có một thời người ta đã dùng nước vào những việc kinh khủng như thế. Continue reading Một viễn cảnh năm 2070

Sữa và thuốc lá

Boy smoking and milk
Boy smoking and milk. Dùng ảnh của Mio CadeCesar R.

Hôm nay (31/05) là ngày toàn thế giới không hút thuốc. Ở Việt Nam, ngày này cũng nằm trong tuần lễ phòng chống tác hại thuốc lá kéo dài từ ngày 26/05 đến 31/05. Nhưng tình hình hút thuốc ở Việt Nam có lẽ không giảm mà còn đang tăng. (Sản lượng thuốc lá điếu của VN đã tăng gần gấp đôi từ năm 2000–2007 — 4 tỉ bao!)

Có nguồn cho biết có đến 40.000 người Việt chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu so với số người chết vì hệ thống giao thông kinh khủng ở Việt Nam thì con số này gấp đến 4 lần. Nhiều gia đình ở Việt Nam thuộc dạng nghèo và đang chi trả tiền cho thuốc lá nhiều hơn bất kỳ dịch vụ y tế hay giáo dục nào. Có nghĩa là nếu không hút thuốc nữa thì khả năng thoát nghèo là cao hơn nhiều.

Trong thuốc lá có hơn 4.000 loại chất độc đủ kiểu. Người hút thuốc lá có đầu lọc vẫn hít rất nhiều các chất độc này vào người. Những người hút thuốc bị động (không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc) còn chịu tác động lớn hơn vì phải hít trực tiếp các chất độc. Khó có thể nói ở thời đại này, phì phèo điếu thuốc ở nơi công cộng là hành động văn minh.

Về phía người dân là như vậy, phía chính phủ cũng đóng góp không nhỏ trong việc tăng lượng người hút thuốc và chết vì hút thuốc hàng năm: giá thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất thế giới trong khi giá sữa cao nhất thế giới. No doubt người ta có xu hướng hút thuốc hơn là ăn uống khỏe mạnh.

Ảnh trong bài do tôi tự thêm vào.

Theo báo Tuổi Trẻ Online:

Nghịch lý giá sữa và thuốc lá

Giá sữa ở VN đắt nhất thế giới, điều đó đã được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN xác định tại một cuộc hội thảo về sữa cách đây hơn một tuần.

Còn giá thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chia làm sáu mức, VN xếp hàng thứ năm. Theo đó, các nước đẩy giá thuốc lá lên cao ngất ngưởng trên 5 USD/gói 20 điếu gồm những nước thuộc Tây Âu, Canada, Singapore. Dẫn đầu trong nhóm “đắt đỏ” này là Anh với giá một gói thuốc lá khoảng 5 bảng Anh, tức khoảng 130.000 đồng VN! Mỹ nằm trong nhóm thứ nhì với giá bán từ 4-4,99 USD/gói! Còn VN nằm ở nhóm 5/6 với mức giá từ 1-1,99 USD/gói. Xem trong bản đồ giá thuốc lá của WHO, chỉ vài quốc gia có giá thuốc lá rẻ hơn ta là Argentina, Paraguay, Kazakhstan, Indonesia với mức dưới 1 USD/gói.

Kết hợp giữa bảng giá sữa và giá thuốc lá, chúng ta có một bài toán quy đổi thú vị như sau: tại VN, mức giá sữa bình quân là 1,4 USD/lít nên một gói thuốc lá gần bằng một lít sữa. Tại New York, một gói thuốc lá tương đương 10 lít sữa. Tại Ấn Độ, một quốc gia có giá bán thuốc lá tương đương VN, giá một gói thuốc lá hơn 2 lít sữa…

Thật kỳ lạ, sữa – mặt hàng mang tính chiến lược đối với sức khỏe người dân, với sự phát triển của trẻ em – lại đắt nhất thế giới; trong khi thuốc lá – mặt hàng độc hại cho sức khỏe con người – lại vào loại rẻ có hạng của thế giới! Đó là một nghịch lý tại VN, mà một khi chúng ta chưa xóa bỏ được điều kỳ dị đó thì chưa thể gọi là một đất nước văn minh!

Một kinh nghiệm mà tiến sĩ Bill ONeill – tổng thư ký Hiệp hội Sức khỏe Anh – muốn chia sẻ với mọi quốc gia trên thế giới, đó là nhà nước hãy tích cực làm giàu ngân sách bằng cách đánh thuế thuốc lá thật cao. Kinh nghiệm của Chính phủ Pháp cho thấy cứ mỗi khi ngân sách thâm thủng, việc “gỡ” lại bằng thuế thuốc lá là biện pháp mà người dân hài lòng nhất. Bên cạnh đó, thống kê cũng đã cho thấy cứ tăng 10% giá thuốc lá sẽ có 4% dân ghiền bỏ thuốc.

Thế thì VN tại sao không nhanh chóng áp dụng kinh nghiệm đó?

Continue reading Sữa và thuốc lá