Một ngôi làng kiện cả thế giới

Mời các bạn đọc bài này, do chúng tôi đăng lại từ VnExpress, viết về những nạn nhân đầu tiên của nóng lên toàn cầu. Người dân của một ngôi làng nằm ở vùng tây bắc Alaska đã kiện 24 tập đoàn dầu khí và năng lượng lớn trên thế giới vì chính sự phát triển của các tập đoàn này đã khiến cho ngôi làng của họ có nguy cơ chìm xuống biển. Bạn có thể đọc đơn kiện của họ ở đây.

Ngôi làng Kivalina đang bị xóa xổ dần khỏi bản đồ thế giới. Ảnh: Agentur Focus.

Làng Kivalina nằm ở phía tây bắc của Alaska, 400 dân Eskimo ở đây thuộc những nạn nhân đầu tiên của sự ấm lên toàn cầu: Làng của họ chìm xuống Bắc Băng Dương. Họ đã yêu cầu các tập đoàn dầu khí và năng lượng bồi thường thiệt hại hằng trăm triệu USD.

Austin Swan 60 tuổi, một thợ săn giàu kinh nghiệm sống tại Kivalina, ngôi làng ở tây bắc của Alaska, phía bắc eo biển Bering. Ông học cách giết cá voi từ lâu trước khi bảo vệ sinh học và hạn ngạch săn bắn xuất hiện. Nhờ học cách đọc băng tuyết, Swan biết vào mùa hè băng sẽ nứt gãy ra ở nơi nào, những tảng băng khổng lồ sẽ trôi dạt ở đâu trên Bắc Băng Dương, và những con cá voi sẽ bơi ngang qua. Ông đã luôn có thể đoán trước nơi nào có thể săn được.

Thế nhưng từ vài năm nay tiên đoán của ông không còn đúng nữa. Băng tuyết đã thay đổi. Nó nứt gãy nhanh hơn, trôi đi nhanh hơn và cùng với nó cá voi cũng đã biến mất.

Từ nhiều năm nay Swan không săn được con cá voi nào, và những người đi săn khác cũng vậy. Họ kéo được con cá voi lên băng tuyết lần cuối cùng vào năm 1999.

Ông Swan đã suy nghĩ rất lâu về những gì có thể là nguyên nhân cho những lần đi săn xui xẻo, cho băng tuyết giờ đây tan ra sớm hơn và ngày càng trở lại muộn hơn, cho những cơn bão trong mùa thu đang tàn phá làng ông. Ông đã tìm một kẻ có lỗi trong việc này, một người nào đó mà người ta có thể nắm lấy.

Một trong những nạn nhân đầu tiên

Thỉnh thoảng băng tuyết tan nhanh đến mức những người săn cá voi phải tháo gỡ lều trại trước khi nhìn thấy được con cá voi đầu tiên. Ảnh: Agentur Focus.

Người dân Kivalina đang trải qua trong cuộc sống hằng ngày những gì mà các nhà khoa học chỉ xem là dữ liệu trong máy tính: Tình trạng nóng ấm toàn cầu đã có từ lâu và nó đang diễn ra ở Bắc Cực nhanh hơn là ở phần còn lại của thế giới: Từ khi cuộc công nghiệp hóa bắt đầu, nhiệt độ trái đất đã tăng lên tròn 0,8 độ, tại Bắc Cực còn gấp đôi con số đó. Biến đổi khí hậu đã thay đổi cuộc sống của từng người một, biến con người thành kẻ tỵ nạn, người ta có thể cường điệu hóa hay tầm thường hóa việc này, nhưng nó đang hiện diện.

Làng Kivalina là một trong những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu và bi kịch ở đây là một vài dân làng không hiểu được những gì đang xảy ra với họ: Giới trẻ thường thiếu sự hiểu biết và người già thì thiếu sức tưởng tượng. Những cố gắng trò chuyện với cụ Tommy Adams 77 tuổi đã thất bại vì con gái cụ không thể phiên dịch được vấn đề. Có đến 40 từ trong ngôn ngữ của cụ cho “băng tuyết” nhưng không có từ nào cho khái niệm “toàn cầu” cả. Cụ già không thể nghĩ và cũng không có khả năng diễn đạt được rằng chính cách thức con người ở châu Mỹ và châu Âu lái ô tô và sưởi ấm lại có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của cụ. Cụ chỉ biết rằng không bao lâu nữa cụ phải rời khỏi nơi đây và đó là tại vì thời tiết, như thế nào đó.

Biến đổi khí hậu đã cướp đi khả năng của người dân Kivalina sống cuộc sống như cha ông họ đã từng sống, cướp đi nơi săn của họ và nó thật sự sẽ cuốn trôi cả làng xuống biển.

Kivalina nằm trên mực nước biển không đến 2 m. Băng tuyết bao chung quanh hòn đảo gần 8 tháng trong một năm, biển và phá đóng băng cho đến tận chân trời: Tất cả chỉ là một màu trắng. Trong thời gian này không có nguy cơ đe dọa, băng tuyết bảo vệ Kivalina chống lại đại dương. Vào mùa hè, chỉ có thể đến được Kivalina bằng máy bay hay tàu thủy.

Sau đó, trong mùa thu, khi những cơn bão ập đến là bắt đầu có nguy hiểm. Sóng cao hằng mét đập vào bờ cuốn đất trôi đi, mỗi năm thêm một vài mét. 2004 là 30 m, 2005 thêm 10 đến 15 m nữa. Từ biển vào đến trường học chỉ còn 10 bước chân.

Vài năm trước đây, mùa thu bắt đầu với những đợt tuyết rơi kéo dài nhiều tuần, tuyết rơi xuống biển và chẳng bao lâu sau nước trở nên đặc sệt lại – sóng biển tràn chậm chạp vào bờ. Biển này đã không thể gây hại cho Kivalina. Thế nhưng từ vài năm trở lại đây tuyết và băng ngày càng đến muộn hơn. Không còn gì kìm hãm được những làn sóng cả.

Trước đây 2 năm, người dân làng quyết định xây một con đập. Vào cuối tháng 10 năm 2006, ngay trong đêm trước ngày khánh thành, một cơn bão không được dự báo trước đã tàn phá 2/3 con đập. Các chuyên gia của Quân lực Mỹ và phòng hộ ven biển cho rằng chỉ thêm một cơn bão lớn duy nhất là đủ để phá hủy Kivalina. Và việc này sẽ đến, có thể là ngay trong mùa thu này, cũng có thể là mùa thu sau, nhưng nó sẽ đến.

Đến bước đường cùng

Chỉ có một giải pháp: Ngôi làng phải được dời đi. Toàn bộ cộng cả trường học, máy phát điện và đường băng phải được xây mới tại nơi khác.

Năm ngoái một con đập mới được xây dựng, tốt hơn con đập cũ và bảo vệ Kivalina cho đến khi một người nào đó trả tiền cho việc di dời. Một chắp vá và chờ đợi vô tận, một cuộc sống trong tạm thời. Và đến lúc nào đó thì con người quá ngán ngẩm chán chường.

Cuối tháng 2 năm nay, làng Kivalina và bộ tộc Eskimo Kivalina đã đệ đơn kiện ra tòa án tại San Francisco, California. Bị đơn là 24 tập đoàn dầu khí và năng lượng, những tập đoàn như BP, Shell, ExxonMobil hay Chevron hay American Electric Power Company, một trong những tập đoàn sản xuất điện lớn nhất nước Mỹ.

Người Eskimo cáo buộc họ hằng năm thải vào không khí hằng triệu tấn CO2 và các khí nhà kính khác, đẩy mạnh sự nóng lên toàn cầu và cố tầm thường hóa các hậu quả của biến đổi khí hậu. Và giờ thì họ phải trả giá. Kivalina yêu cầu bồi thường những thiệt hại về khí hậu. 400 người dân phải được tái định cư, nhà và trường học phải xây mới, đường điện và nước phải được lắp đặt mới. Chi phí cho việc này vào khoảng 100 đến 400 triệu USD. Các doanh nghiệp có thời hạn đến cuối tháng 6 cho lời kháng biện, sau đó tòa sẽ quyết định có thụ lý đơn kiện hay không.

‘Con kiến đi kiện củ khoai’

Đầu tiên nghe như có vẻ hoang đường: Tại sao một tòa án ở California lại cần phải phán quyết việc ai chịu trách nhiệm cho thời tiết ở Alaska? Và nếu như tòa thụ lý đơn kiện, ai sẽ đệ đơn kiện kế tiếp? Một vùng du lịch trượt tuyết vì mùa đông ấm áp mà vắng khách chăng? Một quốc gia ở Nam Thái Bình Dương vì mực nước biển dâng cao? Hay Bangladesh?

Đơn kiện gồm 69 trang, liệt kê cho từng doanh nghiệp một của 24 bị đơn rằng bao nhiêu tấn chất độc hại cho khí hậu họ đã thải vào bầu khí quyển trong năm 2006 và họ biết rằng hậu quả nào sẽ xảy ra. Đọc phần này của cáo trạng người ta có cảm giác như Kivalina không những chỉ kiện một vài tập đoàn năng lượng. Kivalina kiện cả thế giới.

Việc đệ đơn kiện tại California có một nguyên nhân mang tính chiến lược rất đơn giản: Người ta chỉ có thể kiện một tập đoàn ở nơi mà họ có đại diện, nơi họ kinh doanh. Và California là bang mà người ta có thể cùng đưa lên ghế bị can nhiều doanh nghiệp nhất.

Văn hóa của người Eskimo đã biến mất từ lâu tại Kivalina, không phải vì bão tố hay cá voi vắng mặt. Biến đổi khí hậu chỉ làm cho họ không thể trở về cuộc sống như ngày xưa nữa – ngay chính khi họ muốn.

Trong hè vừa qua, một người dân làng tên Deryl vào đất liền để đi săn. Trời nóng đến mức lớp băng vĩnh cửu bắt đầu tan ra. Hơi nước bốc lên, cả vùng đất chìm trong sương mù.

Đối với các nhà nghiên cứu khí hậu thì đây là một báo hiệu cho thảm họa kế tiếp: Khi lớp băng vĩnh cửu tan ra, hằng tấn khí methane sẽ bay vào không khí, một sát thủ khí hậu. Khí methane làm tăng tốc việc ấm nóng toàn cầu.

Trả lời