Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn

“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn — mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc” là một câu nói nổi tiếng và được trích dẫn nhiều. Thế nhưng Milton Friedman trong quyển Capitalism and Freedom đã viết những lời mở đầu chỉ ra những điểm “phản danh ngôn” của câu nói này. Tôi lược đăng một đoạn lên đây. Tất cả chú thích là do tôi thêm vào. (Biết qua blog KHMT, một lần nữa!)

Trong đoạn văn được trích dẫn nhiều nhất từ bài diễn văn nhận chức của mình, Tổng Thống Kennedy đã nói, “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn — mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc.”[1] Với tâm thức thời đại ngày nay,[2] người ta thường tranh cãi về xuất xứ câu nói này hơn là nội dung của nó. Không có vế nào của câu nói thể hiện mối quan hệ giữa nhân dân và đất nước phù hợp với tư tưởng về con người tự do trong xã hội tự do.
Vế đầu gia trưởng, “tổ quốc đã làm gì cho bạn” ám chỉ rằng nhà nước là cha mẹ, nhân dân là con cái, một quan niệm rơi vào thế xung đột với quan niệm của người dân tự do tin rằng họ tự có trách nhiệm với vận mệnh của mình. Vế sau cá thể, “bạn đã làm gì cho tổ quốc” ám chỉ rằng nhà nước là ông chủ hay thần thánh, còn nhân dân là người đầy tớ hay tín đồ. Đối với nhân dân, tổ quốc là tập hợp tất cả những gì cấu thành nó, chứ không phải là cái gì cao siêu và bề trên. Nhân dân tự hào vì những di sản cộng đồng và trung thành với những phong tục chung của họ.[3] Nhưng nhân dân coi nhà nước như là một biện pháp, một công cụ, chứ không phải là người ban phát ân huệ và tặng vật, cũng không phải là chủ hay chúa để mù quáng tôn sùng và phụng sự. Nhân dân không công nhận mục tiêu nào là mục tiêu quốc gia trừ khi đó là sự nhất trí tất cả các mục tiêu mà mỗi cá nhân phấn đấu. Nhân dân không công nhận chủ ý quốc gia trừ khi đó là sự nhất trí tất cả các chủ ý mà mỗi cá nhân theo đuổi.

Một công dân tự do sẽ không hỏi rằng tổ quốc có thể làm gì cho họ cũng như họ có thể làm gì cho tổ quốc. Thay vào đó họ hỏi “Tôi và đồng bào tôi sẽ làm gì nhờ vào nhà nước”, để giúp họ thực hiện nghĩa vụ của bản thân, để đạt được mục đích và chủ định riêng, và trên hết, để bảo vệ cho sự tự do của họ. Và người dân sẽ liên hệ câu hỏi đó với câu hỏi khác: Làm sao chúng ta có thể giữ cho nhà nước chúng ta đã tạo ra không biến thành một con quỷ sẽ quay lại nuốt chửng nền độc lập mà đáng ra nó phải bảo vệ? Tự do là thứ cây quý hiếm và mảnh mai. Lý trí mách bảo chúng ta, và lịch sử đã chứng thực, rằng mối đe dọa to lớn đến nền tự do là sự tập trung quyền lực. Cần thiết phải có nhà nước để bảo vệ nền tự do, nhà nước là một công cụ để chúng ta thực hành tự do; nhưng nếu tập trung quyền lực vào những bàn tay chính trị, đó cũng là hiểm họa đe dọa đến nền tự do. Cho dù những người nắm quyền ban đầu mang thiện ý và cho dù họ không lộng hành với quyền lực trong tay, quyền lực này cũng sẽ cuốn hút và biến nhiều người thành một giai cấp khác.

[…]

Nguyên bản: http://www.ditext.com/friedman/intro.html

[1]Hồ Chí Minh cũng có câu nói mang ý nghĩa tương tự, “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi Nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích Nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 454-455. Thành Đoàn cũng phổ biến một bài hát mang lời hát tương tự.
[2]Tác giả viết sách vào năm 1962.
[3]Nhớ đến “Lòng yêu nước” của Ilya Ehrenburg, “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. […]Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vonga, con sông Vonga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

2 thoughts on “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn”

  1. Phản biện ni bị mập mờ ở chỗ là nó cố tình gán “tổ quốc = nhà nước”. Trong khi theo tôi, từ “Tổ Quốc” trong câu nói kia mang ý nghĩa trừu tượng hơn nhiều.

    Tổ quốc là tổ quốc. Ai đó có thể ko thích nhà nước, nhưng họ vẫn làm gì đó cho tổ quốc mà ko cần quan tâm đến nhà nước đó như thế nào.

    Mà nói chung, cả câu danh ngôn và phản biện của nó đều vô ích, chẳng để làm j :D.

    Thân

  2. Hiện máy chủ của Nhiệt Huyết đang có vấn đề nên một số comments của các bạn bị mất. Chẳng hạn như comment của Mark of invisible ở đây.
    Mong các bạn thông cảm, mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. 🙂

Comments are closed.