Việt Nam và cơ hội có thêm hàng trăm “giờ Trái Đất”

Ý tưởng của bài viết rất đơn giản và thú vị: Việt Nam nên áp dụng DST hoặc chuyển sang sử dụng múi giờ UTF+8 để tiết kiệm thêm nhiều năng lượng.

Nguồn bài viết: Việt Nam và cơ hội có thêm hàng trăm “giờ Trái Đất” — Tác giả: Đàm Quang Minh, đăng trên Minh Biện.

Sự kiện giờ Trái Đất diễn ra vào 20h30 ngày 28 tháng 3 năm 2009 đã gây được sự chú ý to lớn trong công chúng. Sự kiện này nhằm ủng hộ cho tiết kiệm năng lượng chiếu sáng giúp giảm thiểu ảnh hưởng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên chúng ta lại không biết rằng, có thể chỉ bằng một quyết định đơn giản hơn, Việt Nam có thể có thêm hàng trăm giờ Trái Đất của tất cả người dân.

Khái niệm về DST?

Khái niệm DST (Daylight saving time) có nghĩa là Tiết kiệm ánh sáng ban ngày được một nhà khoa học người New Zealand tên là George Vernon Hudson đưa ra lần đầu tiên vào năm 1895 và hiện nay đang được rất nhiều quốc gia sử dụng (i). Thậm chí sớm hơn, Benjamin Franklin đã đề cập tới điều này vào năm 1784 (ii). Điều này dựa trên sự thay đổi thời gian mặt trời mọc và lặn trong mùa hè và mùa đông. Ca dao Việt Nam cũng có câu “Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng, ngày tháng 10 chưa cười đã tối”. Chính sự chênh lệch thời gian này khiến vào những ngày mùa hè có mặt trời mọc sớm hơn. Sự khác biệt này càng ở vĩ độ cao càng rõ nét khiến cho một số quốc gia gần vùng cực có thể có đêm trắng hay hiện tượng mặt trời không lặn trong một số ngày trong năm.

worldmapCác quốc gia sử dụng DST có màu xanh, các quốc gia đã từng sử dụng DST có màu cam và các quốc gia chưa từng sử dụng có màu đỏ.


Việc chuyển từ giờ mùa hè sang giờ mùa đông hay còn gọi là áp dụng DST nhằm sử dụng giờ mùa hè muộn hơn, tận dụng thời gian chiếu sáng của mặt trời cho các hoạt động của con người. Nước Mỹ trong năm 2007 nhằm tiết kiệm hơn nữa năng lượng đã gia tăng thêm 3 tuần cho chính sách này. Chính sách này được cho là có lợi về nhiều mặt từ kinh tế do tiết kiệm năng lượng, an ninh do thời gian chiếu sáng vào buổi tối tăng, và nhiều lĩnh vực khác. Thực tế là rất khó thống kê được tất cả ảnh hưởng kinh tế của việc sử dụng DST nhưng ước tính tiết kiệm được khoảng 0,5% sản lượng điện quốc gia, trong đó có những ngành như du lịch có thể tiết kiệm được đến 3% chi phí (iii).

Thực tế của Việt Nam

Trong bài này tôi lựa chọn một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á, thành phố có vĩ độ gần Việt Nam để so sánh. Theo kết quả của số liệu này thì các thành phố của Việt Nam có thời gian mặt trời mọc thuộc loại sớm nhất.

sun1Thời gian mặt trời mọc trung bình của Việt Nam so sánh với các thành phố trên thế giới

Theo đó, thời gian mặt trời mọc trung bình tại Việt Nam là vào lúc 5:44 sáng trong đó Hà Nội là 5:47; TP Hồ Chí Minh 5:43; Nha Trang 5:32 và Điện Biên muộn nhất là 6:00. Nếu xét các thủ đô trong khu vực chỉ có Manila của Philippin là mặt trời mọc sớm hơn Việt Nam vào lúc 5:45 còn lại là Singapore lúc 6:59; Bangkok lúc 6:07; Hongkong lúc 6:14; Paris lúc 7:07; Florida lúc 6:50.

Thực tế là người dân Việt Nam đang trong xu thế đô thị hóa và càng ngày càng thức dạy muộn hơn. Giờ làm việc nhiều nơi hiện nay là 8h sáng, các cửa hàng thường mở cửa muộn lúc 9h hoặc muộn hơn. Thay vào đó thời gian đi làm về muộn hơn và nhiều hoạt động được diễn ra vào buổi tối.
Nếu xét thời gian mặt trời lặn thì Việt Nam là nơi mặt trời lặn thuộc diện sớm nhất. Chúng ta nhiều lúc chứng kiến vào mùa đông, khi giờ tan tầm thì mặt trời đã bắt đầu lặn và mọi phương tiện giao thông phải sử dụng đèn pha. Điều đó cũng gây tốn kém nhiên liệu cho các phương tiện giao thông.

sun2Thời gian mặt trời lặn trung bình của Việt Nam so sánh với các thành phố trên thế giới

Nếu xét thời gian mặt trời lặn trung bình ở Việt Nam là 18:01 thì tại Bangkok là 18:25; tại Singapore là 19:10; tại Florida là 19:02 và tại Paris là 19:29. Trong đó tại các quốc gia sử dụng DST như Mỹ là Pháp thì thời gian chênh lệch ra rất rõ nét. Người dân nước này có hơn Việt Nam từ 1 giờ đến 1,5 giờ ánh sáng vào buổi tối. Singapore tuy không dùng DST do ở vĩ độ thấp hơn nhiều nhưng lùi một múi giờ và họ cũng được hưởng nhiều giờ sáng ban ngày hơn.

Việt Nam nên làm gì?

Việc sử dụng DST ở Việt Nam có thể là không quá cần thiết do về cơ bản Việt Nam ở vĩ độ khá thấp, chỉ có một số quốc gia Trung Mỹ cùng vĩ độ Việt Nam sử dựng chế độ này. Tuy nhiên, Việt Nam có thể sử dụng một múi giờ hợp lý hơn để tiết kiệm năng lượng. Thực tế là nếu thời gian mặt trời mọc vào khoảng 6:45 sáng thì mức độ ảnh hưởng cuộc sống vào một ngày mới là không quá lớn trong khi đó tất cả mọi người đều thêm được 1 giờ ánh sáng vào buổi chiều (chưa thể ai đi ngủ vào 7h tối). Giờ tan tầm cũng sẽ vẫn có đủ ánh sáng quanh năm và dòng người trong đô thị sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi không có cảm giác phải về nhà khi buổi tối. Nhiều gia đình vẫn có thể sử dụng ánh sáng ban ngày trong lúc đi chợ và chuẩn bị bữa cơm chiều. Tất cả người dân Việt Nam mỗi năm sẽ có thêm 365 giờ Trái Đất. Nếu được thực hiện thì chỉ theo ước tính đơn giản, Việt Nam cũng sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ việc tiết kiệm năng lượng.

——
(i) George Gibbs (2007-06-22). “Hudson, George Vernon 1867–1946″. Dictionary of New Zealand Biography.
(ii) http://www.timeanddate.com/time/aboutdst.html
(iii) Myriam B.C. Aries; Guy R. Newsham (2008). “Effect of daylight saving time on lighting energy use: a literature review” (PDF). Energy Policy 36 (6): 1858–1866.

2 thoughts on “Việt Nam và cơ hội có thêm hàng trăm “giờ Trái Đất””

Để lại một bình luận