Bài viết được dịch từ báo Guardian
Theo một nghiên cứu gần đây, Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mực nước biển dâng lên, trong khi các nước giàu đang được kêu gọi để di dời những cư dân của họ hiện sống trong vùng nguy hiểm.
Đất nước nào sẽ chịu tác động nhiều nhất bởi sự gia tăng đều đặn của mực nước biển? Đất nước nào sẽ phải lâm vào tình cảnh: 10% dân số phải di cư, sức mạnh kinh tế giảm đi 10%, 10% thành phố và thị xã sẽ chìm dưới nước cho đến cuối thế kỷ này? Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên, là Việt Nam, được Ngân hàng thế giới đánh giá là đất nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do sự xâm lấn của nước biển, hậu quả do nóng lên toàn cầu tạo ra.
Ngân hàng này cho rằng chỉ cần mực nước biển dâng lên 1 mét sẽ gây ra ngập lụt hơn 7% diện tích đất nông nghiệp và sẽ khiến cho gần 30% của vùng đầm lầy bị chìm. Và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn thế: sự tăng lên 1 mét chỉ là mức ước lượng dè dặt cho đến năm 2100. Nhiều chuyên gia môi trường, bao gồm cả Jim Hansen, Giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA, còn chỉ ra rằng mức tăng đó phải đạt ít nhất là vài mét.
Mức tăng một mét là đã đủ để gây ra sự hỗn loạn. Trong một nghiên cứu được xuất bản gần đây trên tạp chí Climate Change, Ngân hàng thế giới đã cảnh báo rằng chỉ với mức tăng đó đã gây nên hậu quả trên khoảng 0.3% diện tích lãnh thổ – khoảng 194.000 km vuông của 84 quốc gia đang phát triển. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng nó gây ra ảnh hưởng lên khoảng 56 triệu người. Cư dân ven biển ở những nước nghèo thường làm kinh tế tốt hơn, vì vậy điều này còn có thể gây ra tác động lên GDP – vào khoảng 1.3%.
Nghiên cứu này, vốn là những kết quả tóm tắt của một bài báo chi tiết 50 trang xuất bản bởi ngân hàng năm ngoái, đã ra lời kêu gọi các nước giàu có như Vương quốc Anh nên hành động nhiều hơn để giúp đỡ những nước đang phát triển đối phó với hậu quả khó tránh khỏi của biến đổi khí hậu.
Heather Coleman, cố vấn lâu năm về chính sách biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam nói rằng: “Giúp đỡ những người đang trong tình trạng nguy hiểm nhằm đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết hiện nay, bởi vì họ đã phải đối mặt với những hậu quả tồi tệ hơn bao giờ hết của biến đổi khí hậu với mức độ khốc liệt đang tăng dần.
Tổ chức từ thiện này tuần trước đã đưa ra một bản báo cáo kêu gọi rằng ít nhất hàng năm phải có khoảng 50 tỉ đô-la (33.85 tỉ euro) được chuyển từ hệ thống giao dịch carbon quốc tế vào nguồn chi phí giúp cho sự thích nghi với những điều kiện môi trường mới.
“Với sự khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng hiện nay, những cơ chế này có thể kiếm đủ chi phí từ những nguồn gây ô nhiễm mà chính phủ không cần phải đụng đến những nguồn dự trữ quốc gia.”, Coleman nói. “Nhiều nhà đàm phán đều đồng ý rằng đây là một trong những cách giải quyết thực tế hơn. Hàng tỷ đô-la có thể được đầu tư và tăng lên để đối phó trước với biến đổi khí hậu trong tương lai và giúp đỡ người nghèo có thể thích ứng với những tác động tiêu cực của nóng lên toàn cầu.
Những lá chắn sinh học
Oxfam nói rằng những nước nghèo cần sự giúp đỡ để nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt, trồng cây để tạo ra “những lá chắn sinh học” dọc theo vùng ven biển để làm khuếch tán những đợt sóng bão, và trồng những loại cây có khả năng chịu hạn.
Bản báo cáo này ra đời khi mà bộ trưởng các nước đang chuẩn bị tham dự buổi đàm phán của Liên Hiệp Quốc tại Poznan, Ba Lan để tiếp tục thảo luận về một hiệp định khí hậu toàn cầu mới nhằm thay thế cho nghị định thư Kyoto. Với bước tiến nhỏ của những mục tiêu carbon được kỳ vọng cho đến khi chính quyền mới của Hoa Kỳ xác định rõ vị trí của nó trong năm tới, sự thích nghi có thể là vấn đề chính được thảo luận tại Poznan.
“Đạt được sự thấu hiểu rộng về việc làm sao để bỏ ra chi phí thích hợp nhất là một điều cực kỳ quan trọng cho những nhà đàm phán tại Poznan, bởi vì họ đã lực bất tòng tâm với vấn đề này trong một thời gian quá dài”, Coleman nói. “Đó là phần sống còn của toàn bộ cuộc đàm phán, một bước kiểm tra xem những nước giàu xem việc giải quyết vấn đề này ở mức độ nghiêm trọng đến thế nào.”
“Người nghèo trên khắp thế giới phải gánh chịu nhiều nhất hậu quả của biến đổi khí hậu, trong khi họ lại là những người ít phải chịu trách nhiệm nhất về nóng lên toàn cầu. Kể cả khi mà nền tài chính toàn cầu đang trong cơn bão tố, thì những nước giàu đều có thể và cần phải giúp đỡ nước nghèo đương đầu với hậu quả. Chúng ta không đủ khả năng để giải quyết thảm họa lâu dài bằng những biện pháp ngắn hạn.”
Nếu các quốc gia thất bại trong việc thích ứng với thực tế mới của biến đổi khí hậu, Coleman cảnh báo, họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nền hơn do thiên tai gây ra.
Những kết quả nghiên cứu này là của Nhóm nghiên cứu phát triển của Ngân hàng thế giới, lãnh đạo bởi Susmita Dasgupta, cho rằng một vài nước sẽ phải gánh chịu tác động tồi tệ hơn những nước khác. Những hậu quả khốc liệt nhất sẽ giới hạn đối với “một số lượng tương đối nhỏ các quốc gia”.
Cũng như Việt Nam, báo cáo này còn nhấn mạnh đến sự thiệt hại tương tự ở Bahamas, đất nước này cũng sẽ mất hơn 10% lãnh thổ nếu mực nước biển tăng lên 1 mét, và Ai Cập, sẽ phải đối mặt với ngập lụt trên 13% diện tích đất nông nghiệp. Mauritania, Guyana và Jamaica cũng là những nước nằm trong nhóm chịu hậu quả nặng nhất.
Trong bảng xếp hạng 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của mực nước biển tăng, với sáu loại ảnh hưởng, thì Bangladesh – quốc gia thường gắn liền với vấn đề này – chỉ có một. Nước này xếp thứ mười trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất trên diện tích đất liền, chỉ khoảng hơn 1% bị ngập.
Bản cáo cho rằng: “Viễn cảnh chung cho cả thế giới phát triển là rất nghiêm trọng: trong thế kỷ này, hàng chục triệu người sẽ phải di dời do mực nước biển tăng, và kéo theo kinh tế và sự phá hủy sinh thái sẽ rất tồi tệ đối với nhiều quốc gia.”
Nó còn cho biết: “Chiến lược phân phối tài nguyên quốc tế phải nhìn nhận sự bất cân bằng trong việc gánh chịu hậu quả đã được nhắc đến ở trên. Một vài quốc gia sẽ chịu ít ảnh hưởng của việc tăng mức nước biển, trong khi những nước khác vì chịu ảnh hưởng nặng nên toàn vẹn quốc gia sẽ bị đe dọa. Vì sự khan hiếm của những tài nguyên có sẵn, dễ nhận thấy là việc phân phối viện trợ sẽ dựa vào mức độ đe dọa của từng quốc gia.
Ngân hàng cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, nhưng thừa nhận nó không phải là điều quá dễ dàng để hiểu được. Nó đã không đưa ra được ảnh hưởng của việc nước biển dâng lên ở mức thấp hơn, điều sẽ xảy ra trong vài thập kỷ nữa. Và phương pháp của nó quá khái quát để có thể đánh giá được số phận của những hòn đảo nhỏ, những nơi đặc biệt dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, thông điệp trọng tâm của nó lại rõ ràng: “Có rất ít dấu hiệu cho thấy rằng cộng đồng quốc tế đã chú trọng nghiêm túc đến sự liên can của mực nước biển tăng với việc phân bố dân cư và quy hoạch cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia đang phát triển.” Một báo cáo riêng của tổ chức Oxfam vào tháng trước đã điều tra về tình hình hiện nay trên mặt đất của Việt Nam, tại hai tỉnh là Bến Tre và Quảng Trị.
Thành tựu bị đe dọa
Tổ chức cứu trợ này cảnh báo rằng những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã đe dọa đến những thành tựu phát triển của Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia dự định sẽ đạt được những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho đến năm 2015, và họ đã làm giảm được tỉ lệ nghèo đói từ 58% xuống còn 18% vào năm 2006. “Những thành tích ấn tượng đó đang bị đe dọa,” Oxfam cho biết. Trong năm 2000, Việt Nam chỉ tạo ra khoảng 0.35% lượng khí nhà kính thải ra trên thế giới – một trong những nước thấp nhất.
Không chỉ có mực nước biển tăng mới tạo ra sự đe dọa, nhiệt độ cao hơn, cũng như là sự khắc nghiệt hơn của thời tiết như hạn hán và bão, sẽ “có khả năng gây ra hậu quả đối với con người và tàn phá nền kinh tế”, báo cáo cho biết.
Nhiều cộng đồng đã sẵn sàng cho việc thích ứng với sự thay đổi của các kiểu thời tiết. Nông dân thu hoạch sớm hơn, trước khi mùa lụt xảy ra, hoặc là trồng những giống lúa với dòng đời ngắn hơn. Nhưng báo cáo còn đưa ra vô số những trường hợp người nghèo ở cả Bến Tre và Quảng Trị, những người không được trang bị để đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Oxfam nói rằng những nước giàu cần phải can thiệp – và can thiệp nhanh chóng. “Số lượng đầu tư cần thiết vượt xa so với khả năng ngân sách của Việt Nam,” họ nói. “Nguồn tài chính viện trợ quốc tế sẽ cần thiết khi đối mặt với những hậu quả không thể tránh khỏi.”
việc cấp bách là phải bảo vệ rừng ngập mặn!