Ngược chiều thế giới

Bên VietNamNet đang đăng loạt bài của tác giả Bùi Văn về vấn đề tiêu dùng nhiên liệu của Việt Nam. Bài đầu tiên — Tiêu dùng nhiên liệu Việt Nam đi ngược chiều thế giới — nhận được nhiều ủng hộ và phản hồi tích cực từ đông đảo bạn đọc.

Trong bối cảnh Trái Đất nóng lên và giá xăng dầu leo thang hiện nay, việc sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm và hiệu quả là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Theo phân tích của tác giả thì, đáng buồn thay, xu hướng tiêu dùng này của Việt Nam đang đi ngược lại những nỗ lực đó. Điển hình là các phương tiện giao thông hiện hành ở Việt Nam, cả xe gắn máy và xe ô tô, đều thuộc loại (công suất) lớn và có xu hướng ngày càng lớn thêm. Chính sách của nhà nước và cả mong muốn của người dân cũng cổ vũ cho cuộc đua công suất và ô nhiễm môi trường do các phương tiện này gây ra.

Bài viết đáng để mọi người tiêu dùng cũng như những nhà hoạch định chính sách lưu tâm.

Chúng ta cùng đợi kỳ tiếp theo loạt bài ngược chiều thế giới này với tiêu đề hứa hẹn: Cung cấp năng lượng đi ngược chiều thế giới.

Các bạn đọc bài báo từ link trên hoặc dưới đây.

Tiêu dùng nhiên liệu Việt Nam đi ngược chiều thế giới

Trong vòng 6 năm từ 2002 đến 2008, giá dầu lửa trên thế giới đã tăng gấp 7 lần, từ 20 USD/thùng lên 140 USD/thùng. Cả thế giới đang nỗ lực tiết kiệm xăng dầu, nhưng tiêu dùng ở Việt Nam đang đi theo hướng ngược lại.
So sánh xe gắn máy

Theo thống kê của Hiệp hội sản xuất xe máy Nhật (JAMA), hàng năm thị trường trong nước của Nhật tiêu thụ trên 700 ngàn chiếc xe máy, trong đó khoảng 70% là xe có dung tích xi lanh dưới 50cc. Những tiến bộ công nghệ cũng đã được áp dụng vào xe máy để tiết kiệm xăng dầu và giảm ô nhiễm, như đánh lửa điện tử, phun xăng điện tử, xe chạy bằng khí đốt hay bằng điện…

Xe máy dung tích dưới 50cc chiếm 70% lượng xe tiêu thụ ở Nhật Bản (nguồn: JAMA)

Ở Việt Nam, quan sát dòng xe chạy trên đường thì thấy tuyệt đại đa số là xe máy chạy xăng có dung tích động cơ trên 100cc, càng ngày phổ biến loại xe 125cc – 150cc và lớn hơn nữa.
Hiện trên thị trường Việt Nam, toàn bộ xe gắn máy đang bán của các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, SYM, Piagio… đều từ 100cc trở lên. Tuy các hãng này vẫn sản xuất xe dưới 50cc, nhưng chỉ bán ở các nước khác, tuyệt nhiên không thấy bán ở Việt Nam.

So sánh thứ nhất: Vài chục năm trước đây, xe gắn máy phổ biến ở Việt Nam là loại dung tích 50cc. Thế nhưng xe vẫn chở 2-3 người ngon lành, thậm chí ở miền Tây còn dùng làm xe lôi để chở đến cả chục người. Đến nay, trọng lượng người không tăng nhiều, đường sá đã tốt hơn, tốc độ lưu thông thậm chí còn giảm, nhưng loại xe 50-70cc đã hầu như tuyệt chủng!

So sánh thứ hai: Trọng lượng người Việt không hơn người Nhật, tốc độ lưu thông chắc chắn thấp hơn, thu nhập càng thấp hơn nữa. Nhưng tại sao người Việt chê xe máy nhỏ?

So sánh xe ô tô

Trong thời gian 5 năm từ 2003 đến 2008, cũng theo thống kê của JAMA, tại Nhật có 24,9 triệu xe ô tô con đăng ký mới. Trong đó xe mini chiếm tỉ lệ 30,2% (theo cách tính của Nhật, xe mini là xe dưới 660cc, hay Việt Nam gọi là 0,7 chấm). Riêng trong năm 2007, xe mini chiếm 33% tổng số xe bán ra trên thị trường.

Người Nhật đã dùng xe phân khối nhỏ để tiết kiệm nhiên liệu từ trước khi thế giới nổ ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Nếu quan sát trên đường phố châu Âu thì cũng thấy một tỉ lệ khá cao xe “mini”, kể từ xe hiệu Chery của Trung Quốc cho đến hiệu Mercedes danh tiếng.

Còn ở Việt Nam, những chiếc xe ô tô nhỏ như của Nhật hầu như vắng bóng. Điều lạ là hầu hết các hãng xe ô tô đang có mặt ở Việt Nam đều có loại xe nhỏ bán ở các nước khác, nhưng xe 660cc lại hoàn toàn thấy không sản xuất và bán ở Việt Nam.

Những chiếc xe hai bánh dung tích động cơ 50cc của Yamaha và Piagio, hay ô tô 4 chỗ ngồi dung tích 660cc của Honda và Nissan như thế này vẫn thấy ở các nước giàu, nhưng tuyệt nhiên không thấy ở Việt Nam.


Ô nhiễm môi trường

Công suất động cơ không chỉ là chuyện tiết kiệm mà còn là chuyện ô nhiễm. Đầu năm 2008, Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố ô nhiễm không khí ở các đô thị nước ta đã đến mức báo động. Hàm lượng khí thải độc hại như THC, CO, CH4 thậm chí còn cao hơn so với các thành phố vẫn được coi là ô nhiễm nhất thế giới. Khí thải và bụi ở các nút giao thông cao gấp 2-5 lần mức tối đa cho phép.

Cũng theo tính toán của Cục Đăng kiểm, ô nhiễm không khí ở đô thị nước ta có 70-90% do các phương tiện giao thông gây ra. Trong đó, xe máy ở Hà Nội gây ra 90,4% khí thải THC, 81,05% khí CO, và 92,9% khí CH4. Các tỉ lệ này cũng tương tự ở TP. HCM, thậm chí còn cao hơn. Đây đều là những chất có khả năng gây nhiễm độc cấp tính.

Việt Nam sắp sửa vượt qua Indonesia và Thái Lan để lên đứng đầu thế giới về tỉ lệ sử dụng xe gắn máy. Nhưng nếu tính theo công suất và mức độ gây ô nhiễm, rất có thể Việt Nam đã lên hàng đầu rồi.

Trong khi đó, Cục Đăng kiểm cho biết việc kiểm định khí thải xe máy của Việt Nam tụt hậu sau thế giới từ 15-20 năm.

Cuộc chạy đua công suất

Những so sánh trên cho thấy, nước giàu thích dùng xe nhỏ, còn Việt Nam là nước nghèo lại phổ biến xe lớn.

Nhìn về phía nhà giàu, không biết tại vì họ tiết kiệm nên giàu, hay tại vì họ giàu mà sinh ra tính… trùm Sò?

Còn nhìn về phía mình? Thứ nhất, xe máy và ô tô ở Việt Nam không chỉ là phương tiện giao thông. Với nhiều người, đó còn là công cụ để “chứng tỏ đẳng cấp”.

Thứ hai, không ít người sử dụng xe ô tô không phải mua xăng bằng tiền túi của mình. Do không phải trả tiền cho việc “chứng tỏ đẳng cấp”, họ không có động lực mua xe nhỏ.

Thứ ba, có nhu cầu xe lớn thì nhà sản xuất đáp ứng. Khi đã sản xuất ra, họ phải quảng cáo tốt. Bị tác động của quảng cáo, số người ham xe lớn ngày càng tăng. Nhu cầu xe nhỏ giảm đi đến lúc các hãng ngừng sản xuất xe nhỏ, và những người muốn xe nhỏ cũng không có mà mua.

Thứ tư, chính sách trợ giá xăng trong những thời điểm khó khăn đúng là có hỗ trợ người nghèo, nhưng còn hỗ trợ nhiều hơn cho những người đi xe lớn. Gây lãng phí, gây ra ô nhiễm nhiều hơn, không bị phạt mà còn được thưởng!

Vai trò của chính sách

Thái Lan có chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho những xe chạy xăng với dung tích dưới 1.300cc và chạy dầu diesel dưới 1.400cc, với điều kiện tiêu thụ nhiên liệu không quá 5 lít cho 100 km và thải ra không quá 120 gam carbon dioxit (CO) cho mỗi km. Năm 2007, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhỏ ở Thái Lan là 17% so với 30% của các loại xe khác.

Các chính sách thuế giảm thuế hoặc hoàn thuế tương tự được áp dụng ở Nhật Bản với xe ô tô dưới 660cc, ở Hàn Quốc là xe dưới 900cc (tuy gần đây đã nâng lên 1.000 cc), còn ở Philippines là xe dưới 1.000cc…

Còn ở Việt Nam, xe gắn máy lớn nhỏ đều chung một thuế suất. Xe ô tô dưới 7 chỗ, dù lớn nhỏ đều chung một thuế suất. Theo một doanh nghiệp lắp ráp, cách tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện thực chất làm cho thuế xe lớn lại rẻ hơn xe nhỏ, nếu tính tỉ lệ theo công suất.

Từ năm 2006, mới xuất hiện khái niệm thuế khác nhau giữa xe phân khối lớn và phân khối nhỏ, và cũng chỉ áp dụng với ô tô cũ nhập khẩu. Nhưng chính sách phân biệt này đã đủ mạnh chưa? Mấy năm qua, hầu hết xe nhập khẩu đều thuộc hàng “khủng”, không chỉ về giá mà còn về công suất. Ngay cả một số xe nhỏ như Toyota Yaris và Kia Morning, gọi là nhỏ ở Việt Nam những vẫn chưa đạt chuẩn xe mini của Nhật.

Về xe gắn máy, trong nhiều năm qua Việt Nam cũng đã có chính sách hạn chế nghiêm ngặt xe máy trên 175cc. Nhưng lý do không phải là tiết kiệm hay ô nhiễm. Theo một quan chức đã từng giải thích, đây chỉ là để “hạn chế người tiêu dùng chạy xe mạnh hơn xe cảnh sát.”

Đến khi các cam kết gia nhập WTO có hiệu lực, Việt Nam bãi bỏ các hạn chế về nhập khẩu và sản xuất xe công suất lớn, thì rất có thể cuộc đua công suất xe gắn máy sẽ không dừng ở mức 175cc.

Nhà sản xuất và người tiêu dùng dắt nhau lao vào vòng xoáy chạy đua công suất, người gây ô nhiễm cao hơn không phải trả giá mà còn được trợ giá nhiều hơn… Kinh tế học gọi đó là những thất bại của thị trường.

Nhưng đây cũng chính là cơ hội để chính sách thể hiện vai trò điều chỉnh thất bại của thị trường.

  • Bùi Văn

Kỳ tiếp theo: Cung cấp năng lượng đi ngược chiều thế giới

—————–

Phản hồi của bạn đọc VietNamNet:

Bài viết đáng để các nhà hoạch định chính sách lưu tâm

“Tôi nghĩ rằng, những thông tin được tác giả Bùi Văn nêu ra trong bài viết rất đáng để các nhà hoạch định chính sách về ô tô, xe máy, giao thông, môi trường của Việt Nam lưu tâm, xem xét, từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý”. Ý kiến bạn đọc VietNamNet sau bài viết Tiêu dùng nhiên liệu Việt Nam đi ngược chiều thế giới.
Kỳ lạ sự tiêu dùng “hoành tráng” của người VN

Vì thích “hoành tráng” và “thời trang”, người tiêu dùng VN rất thích mua xe phân khối lớn. (Ảnh minh họa: vtc.vn)

Tôi rất tán thành với ý kiến của tác giả và cho rằng bài viết này nên được đăng trên các báo lớn và phổ thông để nhiều người cùng đọc và có ý thức hơn.
Đúng là không ở đâu có thói quen tiêu dùng như người Việt Nam, luôn thích “chơi trội” và khi mua đồ thì phải “hoành tráng” để chứng tỏ mình hơn người. Người mua sau thì cũng không muốn mình kém người đi trước, nên cứ thế mà đua nhau.

Cách đây 2 năm, khi chọn mua xe gắn máy, vì thích xe nhỏ và nhẹ nên mãi tôi không tìm được chiếc xe tay ga nào ưng ý với phân khối nhỏ và trọng lượng không quá nặng. Cho đến khi chiếc xe Zip 100cc thế hệ mới của Piagio ra đời, tôi rất thích và mua luôn. Xe rất nhẹ (có 94kg), chỉ 100cc nên tiết kiệm xăng, lại hạn chế khí thải độc hại (đạt tiêu chuẩn Euro II về khí thải). Tôi rất mừng vì góp phần nhỏ bé của mình vào việc ít gây ra ô nhiễm môi trường hơn.

Anh trai tôi và mấy đứa bạn thì chê bai rằng sao lại mua xe có 100cc và đã mua xe ga thì phải lớn mới “hoành tráng”. Bạn tôi đứa mua chiếc Attila nặng những 130kg, đứa khác mua Piagio LX 125cc, bảo rằng cho nó “hoành tráng” và “thời trang”.

Như vậy đó, chỉ cần ý kiến số đông của vài người quanh tôi cũng đủ thấy thị hiếu tiêu dùng của người Việt ta rồi. Tôi nghe mà buồn, sao họ không hiểu rằng khi lưu thông trong thành phố thì xe 100cc là quá thừa đủ kể cả trọng tải đến hơn 2 người, vì tốc độ di chuyển không thể và không cần quá nhanh, trong khi lại giảm ô nhiễm môi trường.

Tôi đã từng đi nhiều nước, thấy họ chủ yếu dùng những chiếc xe tay ga phân khối nhỏ và rất gọn gàng, hiếm khi thấy xe lớn trên đường phố. Ngay cả ở Italy, đất nước của những chiếc Piagio, trên đường phố, người dân vẫn dùng những chiếc xe máy từ 50cc đến 100cc, chứ họ không chạy theo mốt và sự “hoàng tráng” như người Việt Nam.

Với thói quen xài phương tiện giao thông này, Hà Nội và TP.HCM vốn đã “được” xếp hạng là 2 trong 6 thành phố bẩn và ô nhiễm nhất thế giới, sẽ còn ô nhiễm đến mức nào!?

Thật khủng khiếp khi đi trên đường trong những ngày hè nóng nực này – không khác đi trong cái chảo lửa với bụi và khói xe. Mỗi người hãy tự ý thức và góp phần giảm ô nhiễm cho xã hội và cho chính bản thân mình. Lê Thuỷ, 1 Yersin, Hà Nội, springair_vn@…

Ý kiến đáng để các nhà hoạch định chính sách lưu tâm

Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết của tác giả Bùi Văn. Trong cơn sốt giá xăng dầu hiện nay, cần xem xét lại vấn đề và các cơ quan chức năng cần định hướng cho thị trường.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở Việt Nam chỉ phổ biến xe bãi rác 50cc, xe 70cc, 90cc đã được coi là phân khối lớn. Ở các đô thị hiện nay, tôi cho rằng chỉ dùng xe 70cc là đủ mà tiêu hao xăng sẽ giảm đáng kể so với các loại xe lớn hơn 100cc, đặc biệt là xe ga. Có chăng, các nhà sản xuất cần cải tiến thêm cho cái “cốp” to như xe ga là đủ. Những người đứng tuổi như chúng tôi rất muốn đi xe nhỏ hơn 100cc, vừa an toàn, vừa tiết kiệm nhưng không tìm được. Và như vậy, cần sự tính toán của những nhà hoạch định chính sách. Phạm Văn Huy, Láng Hạ, Hà Nội, pvhuy@…

Cứ mỗi một lít xăng dùng cho xe gắn máy sẽ thải ra môi trường khoảng 2,2 kg CO2. Chỉ cần 2 triệu dân đô thị VN chuyển từ xe 100cc – 150cc sang xe 50cc – 70cc thì ít nhất mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 6 triệu lít xăng (tính trung bình tiết kiệm 3 lít/xe/tháng), tương đương 120 tỷ đồng và 12 ngàn tấn CO2. Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, ĐH KHTN Hà Nội

Tôi nghĩ rằng những thông tin được tác giả Bùi Văn nêu ra trong bài viết là rất đáng để các nhà hoạch định chính sách về ô tô, xe máy, giao thông, môi trường của Việt Nam lưu tâm, xem xét, từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý. Trần Đức, Đống Đa, Hà Nội, ductm@…
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài báo “Tiêu dùng nhiên liệu Việt Nam đi ngược chiều thế giới”. Hiện tại, các tiệm xe gắn máy tại Việt Nam bán rất ít loại xe 50cc, nếu có cũng chỉ có vài chiếc và ít chủng loại.

Về nguyên tắc, chạy xe phân khối nhỏ rất an toàn và nguyên liệu thì ít tốn kém. Đối với hạ tầng giao thông hiện tại của chúng ta thì xe 50cc đảm bảo và thuận tiện nhất trong việc đi lại trong thành phố. Mong các nhà sản xuất và chính sách ưu đãi thuế của chúng ta quan tâm và cho nhiều chủng loại xe 50cc. Huỳnh Bảo Thọ, tho_icc@…

Bài viết có ý nghĩa cho người định mua xe phân khối lớn

Thật là một bài viết vô cùng ý nghĩa cho những ai muốn thay đổi ý định mua xe phân khối lớn và xe tay ga trong điều kiện kinh tế thị trường khó khăn, thời kỳ xăng dầu giá cao. Nhà nước ta nên có cái nhìn tầm xa hơn nữa để đưa ra những văn bản điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế những tình trạng lãng phí nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường. Hà Thị Lệ Bão, Bình Định, lebaoavss@…

Nên có ưu đãi cho những công ty phát triển công nghệ sạch

Từ lâu, tôi luôn tự hỏi: Tại sao người Việt Nam không có các loại xe, các loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu? Mặc dù đất nước vẫn còn nghèo nhưng người dân vẫn tiêu tốn nhiều tiền để mua nhiên liệu do các động cơ được sử dụng ở Việt Nam, đa số là ở thế hệ cũ.

Tôi nghĩ chỉ khi nào Nhà nước có một chính sách thuế ưu đãi cho các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu các động cơ thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu như xe máy sử dụng công nghệ phun xăng điện tử, động cơ diezen CDI, động cơ Hibrid, động cơ chạy Gaz, động cơ chạy điện… thì mới khuyến khích được họ phát triển ở Việt Nam. Nên có chính sách thuế ưu đãi cho những công ty phát triển công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng. Như vậy, người dân và xã hội đều được lợi. Duong Huy, Hà Nội, duonghuy2k1@…

4 thoughts on “Ngược chiều thế giới”

  1. tóm lại, muốn bảo vệ môi trg` việc cần thiết và cơ bản nhất là thay đổi suy nghĩ, nếp sống và thói quen, ko dễ đâu ah` nha, nhất là thay đổi cả một cộng đồng, nhưng cứ thử xem

  2. woa bài viết này thật hay. Mình xin về blog được hông? cảm ơn các bạn đã sưu tầm nha. Nhờ bài này mà mình đã biết cần mua xe như thế nào rồi.^___________^* ah mà mình muốn tham gia chiến dich của các bạn thì phải như thế nào? Tiền thi minh ko nhiều vì còn là sv, chỉ có lồng nhiệt huyết đày căng thôi.Mình ở ngoài Hà Nội ko biết được hổng bạn?

  3. Tôi thấy bài viết hêt sức ý nghĩa.Xin cám ơn tác giả đã phân tích ra điều mà tôi cũng có để ý từ lâu tuy chưa kiểm chứng sâu sắc và có cái nhìn cu thể.Quả thực là người Việt nam rất chuộng xe to, hoành tráng.Tôi cũng dang định mua xe máy và cũng đang tìm mua xe nhỏ nhẹ.Nhưng tôi lại được các bạn nên khuyên là nên đi xe to,dáng đẹp và một số những tiêu chí mang tính bề ngoài.Các bạn tôi bảo là xe nhỏ thì không sang, dáng xấu…Quả thật là người việt cần phải thay đổi cách suy nghĩ này trong tiêu đùng thì mới có thể cải thiện được môi trường.
    Nhưng nếu chỉ là những ý kiến nhỏ lẻ chưa mang tính cách mạng,chưa được công chúng quan tâm thì không biêt đến bao giờ mới đạt được hiệu quả.

Để lại một bình luận