Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta cần dừng lại và suy nghĩ. Suy nghĩ về con người và thân phận, về mục đích của cuộc sống và mọi thứ. Nhưng thường chúng ta quá bận rộn hoặc/và không đủ dũng cảm để dừng lại. Ta trở nên khô khốc và tầm thường.
May mắn là có những trái tim lớn hơn luôn ở đâu đó tiếp sức cho chúng ta. Để chúng ta có thể lại tự thả lỏng mình, để cho cơ thể cùng nhịp với trái tim chân thật và đầu óc thoải mái với những giấc mơ.
Một bộ phim chầm chậm với những đoạn đối thoại thông minh. Một đoạn guitar lanh lảnh, một giọng hát thanh thoát hay trầm đầy đặn. Một tấm lòng nhiệt huyết, một tinh thần hăng say và những câu nói chân thật. Bằng cách nào đó tình yêu luôn sống và lớn dần lên. Biết được Tình yêu luôn ở quanh mình, ta sẽ có thêm niềm tin và hăng say nuôi dưỡng Tình yêu. Và Tình yêu sẽ tiếp sức cho chúng ta.
Xin cảm ơn người tiếp sức Trần Vinh Dự.
Trước hết phải nói ngay rằng nếu bạn đọc nào nhìn cái tựa rồi lầm tưởng tôi đang mơ huyền mờ về cái chủ đề cũ rích là tình yêu trai gái thì bạn bị mắc lỡm rồi nhé. Chủ đề mà tôi định bàn đến hôm nay là “yêu người” – người theo nghĩa con người, nhân loại nói chung, chứ không đặc biệt nói về một cá nhân cụ thể nào.
Bây giờ nếu tôi hỏi bạn một câu hỏi này “bạn có yêu thương con người nói chung không?” có lẽ bạn sẽ bạn sẽ không muốn trả lời rằng bạn chẳng quan tâm gì đến con người nói chung. Và vì sợ bị đánh giá này kia, có khi bạn sẽ trả lời giống như những cô gái đi thi hoa hậu “tôi yêu thương nhân loại.” Nếu hỏi bạn rằng “bạn có yêu người Việt không? có yêu nước không?” thì chắc bạn sẽ mạnh dạn hơn khi trả lời “có”. Và nếu bạn trả lời như vậy, tôi sẽ lại hỏi bạn rằng “vậy làm sao tôi kiểm chứng được bạn trả lời thực lòng?” Và với câu hỏi này, có lẽ bạn sẽ bị ngắc ngứ và biết đâu lại giận tôi vì hỏi quá khó.
Dạo trước, tôi có đọc một quyển sách nhỏ có tựa là “The God’s Debris” – các mảnh vỡ của đấng tạo hóa. Sách nói về các chủ đề cao siêu như bản chất của tạo hóa, liên hệ giữa con người và tạo hóa và các vấn đề khác về vũ trụ, tồn tại, ý nghĩa của sự sống… trong đó có một phần bàn luận mà tôi thấy thú vị. Tác giả Scott Adams đặt ra một câu hỏi “nếu bạn quan tâm đến một người, làm thế nào để truyền đạt tình cảm của bạn?” Trước khi tôi mách bạn về câu trả lời của Scotts, hãy dành ra vài phút và tự trả lời.
Bạn hãy bật video này lên trước khi đọc tiếp…
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=ApYTwX0RgiI]
Hãy nghĩ về lần đầu tiên bạn tỏ tình hoặc được người khác tỏ tình. Nếu như bạn đã từng có người yêu hoặc đã lập gia đình, thì nhiều khả năng là bạn đã có câu trả lời cho Scotts. Nếu các bạn đã có con nhỏ thì khả năng rất cao là câu trả lời của bạn đã rất gần với câu trả lời của y. Nếu bạn là một người có trái tim rộng lớn và đã nhiều lần xả thân giúp đỡ người khác thì bạn đã có câu trả lời đúng ý của Scotts rồi.
Vậy Scotts nói gì? Y cho rằng công cụ hữu hiệu nhất để truyền đạt tình cảm của mình là sự hi sinh. Điều này có lẽ đối với nhiều người thì chẳng có gì mới, có chăng chỉ là ta vẫn mơ hồ biết về nó nhưng không mạch lạc diễn đạt ra được mà thôi. Khi tôi nghĩ về bố mẹ mình, tôi thường hay nhớ đến những việc mà các cụ vẫn cặm cụi làm cho con cái trong suốt mấy chục năm qua. Khi tôi nghĩ về bà xã, tôi cũng thường nhớ về sự quan tâm chăm sóc của vợ đối với mình. Trước khi tôi lập gia đình, một người bạn của chúng tôi làm về tư vấn trước hôn nhân (premarital counseling) để trước mặt tôi hai cái li. Ông ta nói “tưởng tượng rằng cái li bên phải chứa những việc tốt mà anh làm cho vợ, cái li bên trái chứa những việc xấu mà anh gây ra cho nàng. Một việc xấu bỏ vào li bên trái sẽ làm tan biến mười việc tốt mà anh bỏ vào li bên phải. Để có một gia đình hạnh phúc thì anh nên tìm cách làm đầy cái li bên phải.”
Để truyền tải sự thương yêu của mình cho người khác, thì nhất thiết phải hi sinh một số những lợi ích riêng của mình. Sự thương yêu là một thứ mang tính định tính, không đo đếm được nhưng sự hi sinh thì lại có thể lượng hóa được ở mức độ nhất định. Và vì khả năng lượng hóa được của sự hi sinh, bạn có thể tự trả lời những câu hỏi như bạn thương yêu nhân loại đến mức nào hay bạn có yêu nước không.
Có bạn sẽ phản ứng với tôi rằng đôi khi sự hi sinh cũng cần có những bổi cảnh nhất định. Thí dụ muốn tỏ sự yêu thương trẻ thơ thì có khi phải cần đến bối cảnh chiến tranh khói lửa với một chú bé dễ thương đang ngồi khóc vì lạc mất bố mẹ, muốn bày bỏ lòng yêu nước thì cần phải có những giờ phút trọng yếu mà trong đó hành động của mình có thể thay đổi cả hướng đi của lịch sử. Tôi cho là những lập luận kiểu như vậy hơi mang tính Hollywood. Có lẽ chúng ta đã bị nhồi sọ từ lúc còn nhỏ bởi đủ thứ loại phim ảnh, tiểu thuyết và những câu chuyện ít phần thực và nhiều phần hư về các anh hùng cứu thế để cuối cùng chúng ta đánh đồng các hành động đó với sự hi sinh mà thấp hơn thế thì chỉ là những việc tầm thường không đáng làm. Thực tế chúng ta không cần những bối cảnh bi tráng mới có thể biểu lộ sự hi sinh của mình. Lối nghĩ mang tính Hollywood nói trên khiến chúng ta lười nhác hơn đơn giản vì những bối cảnh bi tráng ấy thường chẳng mấy khi diễn ra, và vì thế, nhiều khi ta đi suốt cuộc đời mình mà chẳng một lần giang vòng tay nhân ái.
Có bạn cũng sẽ phản ứng với tôi rằng chỉ cần làm tốt việc mình đang làm thì cũng là đóng góp với xã hội rồi. So một người giàu mỗi năm đóng 1 tỉ tiền thuế với một người trung lưu mỗi năm đóng góp từ thiện 10 triệu đồng thì ai hi sinh nhiều hơn ai. Thực ra đây là một lối nói ngụy biện. Sự hi sinh chỉ có khi hành động của một người là tự nguyện. Bạn đóng thuế cao là bởi vì bạn đang tối đa hóa lợi ích của bạn khi biết rằng không làm vậy sẽ có thể phải đi tù, nó xuất phát từ tư lợi. Trái lại khi bạn tham gia vào một hoạt động từ thiện thì đó là hành động hoàn toàn tự nguyện và đó là một hành vi hi sinh, nó xuất phát từ sự thương yêu đồng loại.
Cũng có bạn sẽ phản ứng với tôi rằng giả như có hi sinh, thì sức mình nhỏ bé, tài sản mình nghèo nàn, tựu chung cũng chẳng giúp được ai. Đây lại là một điểm sai lầm nữa. Điểm quan trọng là bạn có thương yêu, và có sẵn sàng hi sinh để truyền đạt sự thương yêu của mình hay không. Bạn không phải là người duy nhất đứng ra cứu thế, vì thế không cần phải lo ngại rằng bạn phải gánh vác tất cả.
Tôi biết có nhiều bạn của tôi đã từ chục năm nay cặm cụi giúp các bạn học sinh muốn đi du học, mở các quỹ học bổng quyên góp cho học sinh nghèo ở Việt Nam, ủng hộ những người bị bão lụt cướp đi người thân và gia sản, viết và dịch miễn phí để truyền bá kiến thức cho đồng bào, chăm sóc và giáo dục những trẻ em bị tật nguyền. Các bạn là những người có trái tim thật lớn. Tôi trân trọng và nể phục các bạn. Với những bạn khác ít năng động hơn trên con đường này, tôi challenge các bạn hãy tự vấn về tấm lòng của mình với đồng loại, tự hỏi mình đã làm những việc gì, dù thật nhỏ, để xoa dịu bớt nỗi đau của những người đang bị đầy đọa, đem lại niềm hạnh phúc dù chỉ trong chốc lát cho những số phận bị thiệt thòi. Nếu các bạn ít khi làm, thì hãy thử làm tốt hơn. Nếu các bạn không biết làm như thế nào thì hãy tham khảo ý kiến những người đi trước. Nếu bạn lại không biết người nào đi trước cả thì hãy liên hệ với Đoàn Kết tại:
http://www.doanket.wordpress.com
cái clip hay ghê, coi mà cảm động