Vô chiêu thắng hữu chiêu

Kỳ này Nhiệt Huyết xin đăng lại bài Vô chiêu thắng hữu chiêu bên blog Khoa học Máy tính viết bởi GS Ngô Quang Hưng. Vô chiêu thắng hữu chiêu bàn về cách học tập — thế nào là hiểu? Đoạn trích Richard Feynman hơi dài nên chúng tôi dịch sang tiếng Việt để mọi người dễ theo dõi.

Các mẩu chuyện dưới đây nói về cùng một ý, trả lời cùng một câu hỏi — thế nào là hiểu?

  • Độc cô cửu kiếm rắc rối phức tạp, thông minh như Lệnh Hồ Xung mà học mãi mới được vài thức. Vậy mà đến tuyệt đỉnh thì gã chẳng nhớ thức nào. Trương Tam Phong dạy Trương Vô Kỵ Thái Cực Quyền/Kiếm. Dạy xong chiêu nào lại hỏi “con đã quên chưa”? Tiêu Phong loạn đả Tụ Hiền Trang chỉ cần dùng mấy đường Thái Tổ Trường Quyền ai cũng biết.
  • Quyển blink của Gladwell kể lại đầy rẫy những chuyện mà quyết định trực quan trong tích tắc của một cá nhân dày công rèn luyện là các quyết định đúng đắn và hữu lý đến kinh ngạc.
  • Trong bài “mã hóa tri thức như thế nào“, tôi đã viết rằng khi ta thật sự hiểu một môn học thì trong đầu tôi có một mô hình tái sinh cần cực ít dữ liệu vẫn có thể tái tạo lại nền tảng môn học. Ngoài ra, ta có thể trình bày lại các ý tưởng của môn học một cách rất ngẫu hứng, không cần theo một “giáo trình” xắp sẵn nào cả.
  • Tôi học bơi từ năm lớp 5 ở hồ CLB Lao Động (Xẹc cũ). Tôi bơi được cả 4 kiểu ếch, sải, bướm, ngửa. Ngoại trừ bơi ếch còn tương đối, tôi biết rằng 3 kiểu còn lại tôi chỉ biết hình thức mà không hiểu nội dung — bằng chứng cụ thể nhất là tôi thấy mình bơi rất tốn sức mà lại không hiệu quả. Ví dụ: dân bơi chuyên nghiệp bơi sải trung bình cần 30 sải tay (nghĩa là mỗi tay quạt 15 cái) là bơi được 50 mét, rất nhẹ nhàng và hiệu quả. Mỗi sải tay họ bơi được gần 2 mét!Hai tháng vừa qua, tôi đi tìm hiểu thêm để tìm cách tăng hiệu suất bơi sải của mình. Tôi biết hết các kỹ thuật cơ bản của bơi sải: (a) giữ người thẳng tròng trành như một chiếc thuyền dài (b) thở hai bên (nhịp lẻ) và thở dùng cái rãnh nước do đầu tạo ra khi lướt trên mặt nước, (c) khi quạt tay thì có 4 bước là vươn tới, bẻ ngang, kéo, và đẩy, cùng với giữ tay sát người, (d) đá chân thì phải thẳng và có 4 kiểu nhịp chính: 2, 4, 6-nhịp, và 2-nhịp xéo. Bạn xem thử đoạn video clip dưới đây để biết tôi nói gì:

    [youtube=http://www.youtube.com/watch?v=7dJs0ToB_z4]
    (Bill Kirby là một nhà vô định Olympic)

    Tôi cố gắng tập hơn một tháng qua và đã giảm được tổng số sải tay trên 50 mét từ 70 sải xuống còn 48 sải, một tiến bộ lớn và tôi rất vui! (Vui không kém gì viết được một bài báo hay!) Thế nhưng tôi vẫn thấy mình biết bơi sải hình thức hơn là hiểu nội dung. Khi bơi vẫn còn phải nhớ các “chiêu” a, b, c, d ở trên. Muốn bơi thật hiệu quả thì phải “cảm” được cơ thể mình và giao tiếp của nó với nước. Bạn muốn xem dân chuyên nghiệp bơi “vô chiêu” không? Hãy xem Alex Popov — khủng hoảng luôn 🙂

    [youtube=http://www.youtube.com/watch?v=i_nMGiXMZ7s]
    (Để ý cú bơi sải thở đằng trước.)

  • Trong quyển Surely you are joking, Mr. Feynman, Richard Feynman kể lại chuyện ông đi Brazil hồi thập niên 50, thấy học sinh Brazil đọc sách Vật Lý nhiều, làm bài kiểm tra rất tốt, nhưng lại khám phá ra rằng họ chẳng hiểu gì về Vật Lý cả. Cuối chuyến đi, Feynman có cơ hội giải thích cho các nhà Vật Lý Brazil tại sao ông lại nghĩ thế, và làm thế nào để cải thiện sách giáo khoa Vật Lý. Tôi trích ra đây vài đoạn trong chương “O Americano, Outra Vez!” (đoạn tôi trích hơi dài, nhưng tôi rất thích vì rất giống tình trạng học tập ở Việt Nam khi tôi còn đi học — các bạn chịu khó đọc)

    Giảng đường đã đầy người. Tôi bắt đầu bằng việc định nghĩa Vật lý là sự thấu hiểu những hành vi của thiên nhiên. Rồi tôi hỏi, “Vì sao lại cần dạy Vật lý? Tất nhiên, chẳng có nước nào có thể phát triển được nếu không… yak, yak, yak.” Mọi người đều gật gù vì tôi hiểu và nói đúng ý họ.

    Rồi tôi nói, “Nhưng, thật vô lý, tại sao lại phải thấy mình có nghĩa vụ tranh đua với các quốc gia khác? Chúng ta cần dạy và học Vật lý vì một lý do khác, một lý do hợp lý hơn; không chỉ vì những nước khác.” Rồi tôi nói về ứng dụng của Vật lý, và đóng góp của nó vào tiến bộ của loài người. Tôi thật sự thử thách họ một chút.

    Rồi tôi nói, “Mục đích chính của buổi nói chuyện hôm nay là để quý vị biết rằng không có một môn Vật lý nào hiện đang được dạy ở Brazil cả!

    Tôi có thể thấy mọi người băn khoăn, suy nghĩ, “Sao cơ? Không môn nào ư? Thật không hiểu nổi! Chúng ta dạy tất cả những môn đó mà.”

    Và tôi kể rằng một trong những ấn tượng đầu tiên khi tôi đến Brazil là lúc tôi thấy nhiều học sinh tiểu học đứng ở nhà sách tìm mua sách Vật lý. Có thật nhiều trẻ em được học vật lý ở Brazil, và học từ sớm hơn hẳn so với trẻ em ở Mỹ, vậy thì thật ngạc nhiên là bạn không thể tìm được mấy nhà vật lý ở Brazil — tại sao vậy? Vô số học sinh học hành chăm chỉ, và chẳng mang lại cái gì cả.

    Rồi tôi đưa ra một ví dụ so sánh với một nhà Hy Lạp học yêu tiếng Hy Lạp, ông biết rằng ở nước mình chẳng có mấy học sinh học tiếng Hy Lạp. Rồi ông đến một nước khác và vui mừng nhận ra ai ai cũng học tiếng Hy Lạp — từ khi còn là học sinh tiểu học. Ông đến kỳ thi của một sinh viên chuẩn bị lấy bằng tiếng Hy Lạp, và hỏi, “Đâu là những quan điểm của Socrates về mối liên hệ giữa Chân lý và Cái đẹp?” — sinh viên kia không trả lời được. Rồi ông hỏi, “Socrates đã nói gì với Plato vào buổi thuyết giảng thứ ba?” Sinh viên kia bật dậy và trả lời — cậu ta nói vanh vách mọi thứ, từng từ một mà Socrates đã nói, bằng thứ tiếng Hy Lạp chỉnh chu.

    Nhưng những gì Socrates nói vào buổi thuyết giảng thứ ba chính là nối liên hệ giữa Chân lý và Cái đẹp!

    Vị học giả đã khám phá ra rằng những sinh viên ở nước này ban đầu học tiếng Hy Lạp để đánh vần từng chữ, rồi từng từ, rồi học câu và đoạn văn. Họ có thể trích dẫn từng từ Socrates đã nói, mà không hề nhận ra những từ Hy Lạp đó thực chất mang ý nghĩa gì. Đối với những sinh viên, tiếng Hy Lạp cũng chỉ như là thứ âm thanh nhân tạo nào đó. Chẳng có ai dịch những từ này ra để họ hiểu.

    Tôi nói, “Đó là cảm nhận của tôi, khi tôi thấy các vị dạy ‘Vật lý’ ở Brazil.” (Một cú sốc, ha?)

    Rồi tôi cầm lên một quyển sách giáo khoa họ đang dùng. “Chẳng có kết quả thí nghiệm nào được đề cập trong sách cả, trừ một chỗ có vẽ một trái banh đang lăn trên mặt phẳng nghiêng, sách ghi trái banh sẽ lăn được bao xa trong một giây, hai giây, ba giây, v.v. Những con số ẩn chứa “lỗi” trong chúng — tức là, nếu bạn nhìn vào chúng, bạn nghĩ rằng bạn đang nhìn vào kết quả thí nghiệm, vì thật ra những số này hơi lớn hơn hoặc nhỏ hơn kết quả lý thuyết. Sách còn viết cả về chỉnh sửa sai số — rất hay. Vấn đề là, khi bạn tính giá trị của gia tốc từ những con số này, bạn sẽ được kết quả đúng. Nhưng một trái banh lăn trên mặt phẳng nghiêng thực sự sẽ chứa quán tính làm cho nó quay, và nếu bạn làm thí nghiệm thì sẽ chỉ thu được năm phần bảy của kết quả đúng, bởi vì một phần năng lượng đã truyền qua chuyển động quay của trái banh. Vậy nên thí nghiệm nhỏ này cho ta một ‘kết quả thí nghiệm’ lấy từ một thí nghiệm giả. Chẳng có ai lăn thử trái banh nào cả, nếu không thì đã không có những con số đó!

    “Tôi còn tìm ra điều này,” tôi nói tiếp. “Khi giở ngẫu nhiên vài trang và đặt tay vào đọc thử vài câu, tôi có thể chỉ ra vấn đề — làm sao mà khoa học lại không còn là khoa học, mà lại là học thuộc lòng. Vậy nên bây giờ tôi sẽ tự tin giở những trang đó ra, trước quý vị, để đọc và chỉ cho các vị thấy.”

    Tôi giở ra, Brrrrrrrup — tôi đặt tay vào và đọc: “Phát sáng do ma sát. Phát sáng do ma sát là ánh sáng phát ra khi chà xát các tinh thể…”

    Tôi nói, “Vậy đó, các vị đã dạy Vật lý chưa? Chưa! Quý vị đơn thuần chỉ ra một từ có nghĩa gì thông qua những từ khác mà chẳng bận tâm gì đến tự nhiên — loại tinh thể nào có thể phát sáng khi chà xát, tại sao chúng lại phát sáng. Có học sinh nào có thể về nhà làm thử không? Chúng không thể.”

    “Nhưng nếu như sách viết thế này, ‘Khi lấy một cục đường và chà xát mạnh vào cái kềm, quan sát trong tối ta sẽ thấy những tia sáng xanh. Một vài loại tinh thể khác cũng phát sáng như vậy. Không ai hiểu tại sao. Hiện tượng này gọi là sự phát quang do ma sát.’ Lúc đó sẽ có học sinh về nhà làm thử. Vậy là có trải nghiệm với tự nhiên.” Tôi lấy ví dụ đó để chỉ cho họ thấy rằng cho dù tôi có rà tay vào đâu trong sách thì nó cũng viết kiểu như vậy thôi.

    Cuối cùng, tôi nói rằng tôi không thể hiểu được là có ai đó lại có thể được giáo dục trong hệ thống giáo dục tự lan truyền như thế này, trong đó người ta thi cử, và dạy học trò mình thi cử, nhưng chẳng ai biết gì cả. “Tuy nhiên” tôi nói, “Tôi hẳn là đã sai. Có hai sinh viên trong lớp của tôi học rất tốt, và một trong những nhà vật lý tôi biết được đào tạo hoàn toàn tại Brazil. Vậy nên, chắc chắn là một số người vẫn tìm được cách học tốt trong hệ thống giáo dục này.”

    Sau khi tôi nói xong, bộ trưởng bộ giáo dục đứng lên và nói, “GS. Feynman đã nói với chúng ta những điều rất khó nghe, nhưng điều đó cho thấy ông ấy rất yêu khoa học, và đã rất thẳng thắng phê bình. Vậy nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên nghe ông ấy. Khi đến đây tôi biết rằng có những căn bệnh trong ngành giáo dục nước ta; và bây giờ tôi biết rằng đó thực sự là một khối u!” Rồi ông ấy ngồi xuống để cho những người khác có thể tự do phát biểu, không khí rất nhộn nhịp. Từng người đứng dậy và cho đề xuất. Học sinh cần được ủy ban này phát bài giảng trước, ủy ban kia làm cái này cái kia.

    Rồi xảy ra chuyện tôi không ngờ. Một sinh viên đứng lên và nói, “Em là một trong hai sinh viên được Giáo sư nhắc đến lúc nãy. Em không học ở Brazil; em học ở Đức và mới về nước năm nay.”

    Sinh viên giỏi còn lại cũng đứng lên nói điều tương tự. Và rồi vị giáo sư mà tôi đã nhắc đến cũng đứng dậy và nói, “Tôi học ở Brazil trong suốt thời gian chiên tranh, khi mà, thật may mắn, là tất cả các thầy giáo đã rời trường đại học, vậy nên tôi tự học hoàn toàn. Bởi vậy tôi cũng không thực sự được đào tạo bởi hệ thống giáo dục Brazil.”

    Tôi thật không ngờ. Tôi biết rằng hệ thống này tệ, nhưng 100 phần trăm — thật khủng khiếp!

    Điều mà Feynman muốn nói cũng chính là điều mà Phong Thanh Dương và Trương Tam Phong dạy bảo: chiêu thức chỉ là hình thức, là các từ mô tả các khái niệm (sóng, hạt, nhiệt, năng lượng), v.v. Biết chiêu thức là chỉ biết cái hình thức mà không biết nội dung. Một học sinh thông minh có thể thao tác cái hình thức (công thức, ký hiệu, tên gọi) để làm bài kiểm tra cho tốt, nhưng điều đó không nhất thiết cho thấy là học sinh nọ thật sự hiểu môn học. Feynman viết một câu thật chí lý: “tôi không thể hiểu được một hệ thống giáo dục khi nó chỉ là một hệ thống tự lan truyền, trong đó người ta thi cử, và dạy học trò mình thi cử“.

  • Viết đến đây tôi lại nhớ Tú Xương:

    Tập tễnh người đi tớ cũng đi,
    Cũng lều cũng chõng cũng vào thi.
    Tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn,
    Sờ bụng: thầy không một chữ gì!

    Lộc nước còn mong thêm giải ngạch
    Phúc nhà nay được sạch trường qui.
    Ba kì trọn vẹn thêm kì nữa,
    Ú ớ u ơ ngọn bút chì.

  • Bà xã tôi đọc được đoạn bình văn sau đây (xin phép không trích nguồn), bạn đọc xong sẽ hiểu thế nào là “có hình dạng mà thiếu nội dung”:

    Những câu văn của Nguyễn Nguyên Phước rất có thể trở thành đích ngắm cho các nhà ngôn ngữ học purist, nhưng mặt khác, chúng đang chứng minh rằng ngôn ngữ rất không có khuôn mẫu, và không có tính kế thừa nhất định. Và đang thay đổi rất nhanh. Có lẽ đã đến lúc tiếng Việt được cung cấp những khả năng diễn đạt mới mẻ, điều mà ngôn ngữ nào cũng xứng đáng được hưởng.

2 thoughts on “Vô chiêu thắng hữu chiêu”

  1. Đọc xong bài viết này, cái tôi muốn ném ko phải là 1 cục đá, mà là 1 cục vàng (nếu tôi có ^^). Tác giả đã dẫn chứng rất hay về nền giáo dục của Brazil (xem xong thấy giống… wá!). “Vô chiêu thắng hữu chiêu”, điều này được nhiều người nói tới, nhưng ko nhiều người thành công. Hy vọng rằng mỗi người sẽ tìm được con đường cho mình. Thank tác giả vì bài viết rất hay!

  2. Cảm ơn Ke giau mat về cục vàng của bạn 😀 (nhắc lại là bài này tôi chỉ dịch phần trích của Richard Feynman, còn lại là do GS Ngô Quang Hưng viết).
    Tôi nghĩ rằng bài viết này có ý nghĩa với tất cả mọi người, đặc biệt là khi chúng ta đang cố công luyện một chiêu thức nào đó — có thể dừng lại và suy ngẫm xem mình đang làm gì và cần phải làm gì.

Để lại một bình luận